Cơ hội và thách thức cho hàng nông sản Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu
Hội nhập kinh tế quốc tế mang lại những cơ hội to lớn cho nước ta trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, song chính trong cơ hội đó lại hàm chứa những thách thức gay gắt, nhất là khả năng cạnh tranh của hàng hóa nông sản. Làm thế nào để hàng nông sản Việt Nam phát huy được thế mạnh, chiếm lĩnh thị trường quốc tế là vấn đề đang đặt ra?
Cơ hội và thách thức cho hàng nông sản
Việt Nam hiện có quan hệ với khoảng 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã ký hiệp định thương mại với 61 nước và thỏa thuận đối xử tối huệ quốc với 68 quốc gia. Trong bối cảnh Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia và thực hiện cam kết của các hiệp định thương mại song phương, đa phương thế hệ mới hàng hoá của Việt Nam nói chung, hàng nông sản nói riêng sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng phải đối mặt với không ít thách thức.
Cơ hội dễ dàng nhận diện nhất là hàng Việt Nam có thể thâm nhập nhiều hơn vào các thị trường lớn quốc tế, tiếp cận khoa học, công nghệ và thị trường hiện đại. Với cơ hội mang lại từ thị trường quốc tế, cộng với những thuận lợi mang tính nền tảng mà nền nông nghiệp Việt Nam hiện đang sở hữu sẽ tạo thêm sực mạnh cho hàng nông sản cạnh tranh với hàng hóa nước ngoài khi hội nhập.
Những lợi thế mà nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và hàng nông sản Việt Nam có thể kể đến như: Cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp hàng hóa ngày càng được bổ sung, hoàn chỉnh phù hợp với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, tạo thuận lợi, minh bạch và ổn định dài hạn để thu hút đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) có sức cạnh tranh liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị; Môi trường kinh doanh theo cơ chế thị trường; Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp đang được đẩy mạnh; Liên kết theo chuỗi giá trị từng bước được hình thành và phát triển theo chiều sâu; Công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng.
Trong những năm gần đây, Nhà nước luôn dành sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời và hỗ trợ cho ngành Nông nghiệp với tinh thần quyết tâm đổi mới tư duy, mở cửa thị trường và chấp nhận cạnh tranh, thực hiện tăng cường năng lực về quản lý, quản trị sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, còn có sự hỗ trợ của các cấp chính quyền để tổ chức nông dân liên kết với các DN xây dựng những vùng nguyên liệu tập trung, quy mô lớn, gắn với chế biến, tiêu thụ nông sản để đủ sức cạnh tranh quốc tế trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Tuy nhiên, hàng nông sản Việt Nam cũng còn nhiều tồn tại và phải đối mặt với rất nhiều thách thức. Theo đánh giá của các chuyên gia, có tới trên 80% lượng hàng nông sản của nước ta ra thị trường thế giới phải thông qua trung gian bằng các “thương hiệu” nước ngoài. Cùng với đó là rào cản chống bán phá giá, môi trường, rào cản kỹ thuật tại “sân chơi” hội nhập mà hàng hóa nước ta phải đối mặt. Sự phát sinh tranh chấp thương mại nhưng năng lực giải quyết còn thấp là một trong những thách thức lớn, đặc biệt là trong bối cảnh nhận thức về luật pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và kinh nghiệm đối phó của các DN và hiệp hội DN, ngành hàng chưa đầy đủ.
Giải pháp tham gia hiệu quả chuỗi giá trị nông sản toàn cầu
Trong bối cảnh nêu trên, tham gia chuỗi giá trị nông sản toàn cầu được xem là lối mở cho hàng nông sản trong những năm tới. Theo đó, những vấn đề cấp thiết đang đặt ra cần được giải quyết là:
Thứ nhất, đẩy nhanh việc xây dựng và tạo lập một nền nông nghiệp hữu cơ với sản phẩm là hàng hóa “sạch”. Việc hình thành được chuỗi liên kết để kiểm soát chặt từ khâu sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm có ý nghĩa rất quan trọng. Chuỗi liên kết này phải được thiết lập trên cơ sở tổng thể quy hoạch phát triển nông nghiệp, với sự tham gia tích cực của “4 nhà” (nhà DN, nhà nông, nhà khoa học và Nhà nước). Tạo sự gắn kết giữa sản xuất và chế biến, cũng cần phải thiết lập mối quan hệ bền vững hơn giữa “4 nhà”, tạo nguồn cung nguyên liệu cũng như nông sản thành phẩm cho thị trường một cách chủ động và ổn định.
Thứ hai, xóa bỏ các rào cản, thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Đầu tư vào kinh tế nông nghiệp, nông thôn luôn có nhiều rủi ro, ngoài ra, kết cấu hạ tầng nông thôn còn thiếu đồng bộ. Việc huy động vốn của các DN đầu tư vào nông nghiệp, cũng như của chính nông dân cũng gặp nhiều khó khăn do chính sách tín chấp bấp bênh.
Chưa kể tới năng suất lao động ở nông thôn còn thấp, hiện nay phân bố không đồng đều, tác phong công nghiệp trong sản xuất của nông dân nhiều hạn chế... Do vậy, cần có chính sách kết hợp với các DN cung cấp quy trình sản xuất ổn định, đào tạo nâng cao trình độ, tay nghề, áp dụng khoa học – công nghệ cho nông dân. Hơn lúc nào hết, DN phải dẫn đầu giúp nông dân tìm ra giống cây, con mới đem lại năng suất lao động cao, để nông dân không phải tự đi tìm kiếm thị trường và dần khẳng định thị trường đầu ra của sản phẩm nông nghiệp.
Thứ ba, tổ chức tốt thị trường, hệ thống và các kênh phân phối nông sản. Việc xây dựng hệ thống phân phối hàng hóa nông sản đã từng được nhiều chuyên gia chỉ ra là “mắt xích” quan trọng nhưng lại chính là khâu yếu hiện nay. Điều cốt yếu vẫn là thiếu sự liên kết cần thiết giữa nông dân và DN thu mua, phân phối cũng như thiếu tầm nhìn về việc xây dựng mạng lưới phân phối. Trong việc tiêu thụ hàng hóa và thiết lập kênh phân phối, DN đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Theo đó, các DN có thể chủ động tổ chức vùng nguyên liệu, đặt hàng nông dân, tổ chức mạng lưới phân phối.
Bên cạnh các giải pháp trên, thời gian tới Việt Nam cần hướng đến những mục tiêu cụ thể là:
Một là, nhanh chóng tạo ra thặng dư trong nông nghiệp. Việc tạo ra một khối lượng thặng dư nông nghiệp sẽ là bước đi cần thiết để cung cấp nguồn tài chính nhằm giải quyết những vấn đề lâu dài hơn. Tốc độ phát triển trong tương lai của nông thôn Việt Nam không những phụ thuộc vào sự thành công trong việc tạo ra thặng dư nông nghiệp mà còn phụ thuộc vào thặng dư đó được đầu tư một cách khôn ngoan và có lợi như thế nào.
Hai là, tổ chức tốt khâu lưu thông hàng hóa nhằm tạo ra những tiền đề bên trong cho sản xuất và phân công lao động trong nông nghiệp theo hướng mở rộng các ngành, nghề chế biến dịch vụ bên cạnh sản xuất nông nghiệp; đồng thời, tạo ra các tiền đề bên ngoài (đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu) để đưa sản xuất hàng hóa ở nông thôn lên quy mô lớn, tiếp cận với thị trường thế giới.
Ba là, cấu trúc lại nền sản xuất nông nghiệp theo hướng gắn chặt sản xuất với thị trường, trên cơ sở phát huy tối đa các lợi thế so sánh vùng, địa phương. Chuyển hướng cơ cấu theo hướng nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiện đại, có tỷ suất hàng hóa cao gắn với nhu cầu thị trường khu vực và thế giới thì nông nghiệp không thể có sức cạnh tranh trong xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng.
Bốn là, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam. Nông sản của Việt Nam luôn có giá thấp hơn so với nông sản của các nước có cùng mặt hàng. Trong 15 năm gần đây, chúng ta đã thành công trong việc xuất khẩu một số mặt hàng nông sản (cà phê, tiêu, điều, thủy sản, hoa quả...) sang thị trường châu Âu, Mỹ, song do quá chú trọng về số lượng nên vấn đề thương hiệu chưa được quan tâm.
Để giải quyết vấn đề này, các hiệp hội ngành hàng nông, lâm sản của Việt Nam nên tổ chức giới thiệu sản phẩm của ngành mình cho người tiêu dùng ở một số địa phương tại các nước mà hàng Việt Nam xuất khẩu tới, nhằm tạo dựng niềm tin của người tiêu dùng đối với các sản phẩm nông sản mang thương hiệu Việt Nam. Có như vậy thương hiệu, hàng nông sản của nước ta mới có thể tham gia chuỗi nông sản thế giới.
Tài liệu tham khảo:
1. TS. Hà Công Tuấn, Cơ hội và thách thức đối với hàng nông sản Việt Nam khi tham gia hội nhập;
2. VCCI, 2015: Diễn đàn doanh nhân cùng nông dân hội nhập;
3. Các trang điện tử: tạpchitaichinh.vn; vcci.com.vn; chinhphu.vn…
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2, số tháng 3/2017