Con bò, quả nho và cơ hội hàng Việt
Một nhà báo nói với tôi: “Người Pháp xếp hạng các tổng thống qua hội chợ này”. Anh ta phân tích về Emmanuel Macron rất thẳng thừng. Ông ta trẻ, gan lỳ và quyết liệt. Nhưng người Pháp đang nhìn ông ta từ bản lĩnh nắm vấn đề, đưa giải pháp và thực thi. Để xem...Vấn đề thu nhập và đời sống nông dân. Vấn đề đối sách cho nông dân trẻ, tương lai của nông nghiệp Pháp. Các chính sách về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường. Nỗi âu lo hàng nhập khẩu cạnh tranh và nạn Trung Quốc tung tiền mua hơn 2.000 hecta đất nông nghiệp.
Và trong hơn mười bài báo tổng kết hội chợ, tôi đọc thấy một bài tổng kết cũng “xếp hạng tổng thống qua hội chợ”, bàn về con số hứa hẹn 5 tỉ euro cho nông nghiệp và kế hoạch “tham vọng tổng thống” mà ông tung ra tại bữa điểm tâm với lãnh đạo các tổ chức nông dân tại điện Champs-Élysées ngay sáng sớm khai mạc hội chợ. Nước Pháp có nền nông nghiệp lớn nhất EU, và trong top đầu những nền nông nghiệp mạnh nhất thế giới. Lừng lẫy với bơ, phó mát, thịt bò và rượu vang. Người Việt sành ăn thì mê bánh ngọt của Pháp, nhưng thống lĩnh kinh tế nông nghiệp của Pháp vẫn là bò và nho. Một hiện tượng đáng ghi nhận: nước Pháp chừng như đang cuồng sản phẩm hữu cơ.
Vâng, đang có một câu chuyện dài về sản phẩm hữu cơ ở Pháp và châu Âu. Đọc báo Pháp lúc này cứ gặp một câu quen thuộc: thị trường thực phẩm hữu cơ đang bùng nổ! Trong mười năm, quy mô thị trường này tăng 400% mà khả năng cung cấp của ngành chưa tới 300%. Kế hoạch “tham vọng tổng thống” là về kinh tế hữu cơ, muốn đạt tới 15% diện tích đất nông nghiệp vào năm 2022. Năm ngoái, nước Pháp đưa kế hoạch tăng tổng diện tích hữu cơ lên 8%, mà chỉ đạt 1,5 triệu hecta tức 6,5% diện tích. Năm qua, dân Pháp đã chi 8 tỷ euro mua sản phẩm hữu cơ, tăng 1 tỷ euro so năm trước. Các nhà phân phối lớn hăm hở chạy đua: Carrefour tuyên bố tháng 1.2018 muốn là “nhà lãnh đạo quá trình chuyển đổi”, còn Leclerc tuyên bố sẽ phát triển thêm 200 cửa hàng hữu cơ trong hai năm nữa. Dự kiến, quy mô thị trường hữu cơ sẽ đạt 12 tỷ euro năm 2020. Chợ đầu mối quốc tế Rungis cũng đã mở khu sản phẩm (SP) hữu cơ cách nay hai năm, cho biết, họ vẫn nhập 30% SP từ Ý và Tây Ban Nha...
Yêu trẻ con và yêu... bò
Trong hội chợ, hình ảnh con bò nổi bật, từ áp phích chính đến kỷ yếu, và xuất hiện ồn ào nhất trong mọi hoạt động. Cuộc thi hoa hậu bò căng thẳng, cuối cùng đã có một “cô” bò khổng lồ của vùng Aubrac đăng quang. Thiên hạ xúm quanh “cô” chụp ảnh, trong khi những ông chủ lớn thì bình phẩm về những giống bò cho sữa tốt nhất và về công nghệ kiểm soát sức khoẻ bò và vắt sữa, khiến năng suất tăng mạnh. Không khó hiểu khi nhiều chú bé lén chui hẳn vào chuồng bò để rờ cho được vào bộ lông mềm mượt của con bò. Bên cạnh bò, trẻ con xuất hiện nhiều hơn. Vì hội chợ này được người Pháp mê lắm, xem nó như là nơi giáo dục lý thú về nguồn sống chính là thực phẩm, về quê nhà, về gốc gác tổ tiên nữa. Đếm không hết những xe nôi xuất hiện dày đặc trong hội chợ, hay những chú bé, cô bé ngồi trên vai cha đi bên cạnh những nông dân trẻ ở tuổi nhổ giò, cao nghệu, mang ủng, một tay mobile, một tay cầm dây, dắt bò, dê, ngựa đi khắp các nẻo đường hội chợ hay đến các khu đấu xảo, điều khiển đại gia súc điệu nghệ và thân thiện. Họ là đối tượng sắp thụ hưởng khoản tiền đào tạo nâng cấp khả năng quản trị khủng trong 3 tỉ euro. Hàng loạt trường trung học, đại học được rót tiền, nâng cấp để nâng cao căn cơ nguồn nhân lực cho nông nghiệp Pháp.
Tất cả sự phát triển tuỳ thuộc vào tinh thần yêu sản nghiệp của các gia đình nông dân, và cả vào việc thực thi các lời hứa và các chính sách của chính phủ. Tôi thích ngắm nhìn đội ngũ những anh, chị chủ trẻ dẫn đại gia súc của họ đi thi. Đôi khi có cả cha hay ông nội khi cô hay chú chủ nhỏ chưa qua mười tuổi, nhìn họ vừa hiên ngang, tự hào, vừa có gì nhà quê mà... rất chất. Gia đình chính là cái nền của nông nghiệp Pháp. Những gia đình nông dân thì truyền đời tình yêu cơ nghiệp lừng lẫy của gia đình. Họ làm chủ mảnh đất gia đình, có cơ hội tạo thành cơ nghiệp phát triển trên mảnh đất của mình và thiết tha truyền lại cho con cháu. Thật vui khi ở hội chợ, tôi cầm được cuốn tạp chí thời trang dành cho nông dân trẻ.
Cửa rộng mở cho nông sản Việt?
SP trái cây nhiệt đới và SP hữu cơ đặc trưng nhiệt đới ắt có lợi thế cạnh tranh rõ rệt ở thị trường Pháp. Ông Nguyễn Hải Bằng, đại sứ Việt Nam tại Thuỵ Sĩ, nhấn mạnh: tất cả SP hữu cơ Việt Nam, nhất là SP từ dừa đều được chào đón. Có vẻ nước dừa tươi đang là mốt của thức uống thế giới? Và các SP chăm sóc sắc đẹp từ dừa nữa? Tiêu chuẩn hữu cơ châu Âu đã được ban hành từ mấy mươi năm trước này đang thịnh hành ở châu Âu với hai dạng: chiếc lá xanh làm nền cho các ngôi sao trắng và hình chữ nhật đứng có hai chữ AB với cánh bướm trên đầu chữ B. Một kế hoạch đặc biệt được đoàn Việt Nam đưa ra thảo luận với sự khuyến khích của các bạn bè từ sứ quán Pháp tại Việt Nam và bộ Nông nghiệp Pháp.
Ba ngày giới thiệu hàng nông sản hữu cơ và an toàn của Việt Nam tại chợ Rungis và nối tiếp liền sau đó là triển lãm tại Thuỵ Sĩ, có thể có cả sự phối hợp của đại sứ Việt Nam tại WTO. Sản phẩm Việt Nam sẽ có nét đặc thù nhiệt đới, còn đạt chuẩn chung thì thị trường hoàn toàn an tâm. Tôi biết hiện nay có nhiều tổ chức nông dân Pháp hay hộ gia đình nông dân đang đến Việt Nam tìm đất canh tác hữu cơ, hay hợp tác với các nhà sản xuất Việt.
Trong 66 doanh nghiệp đạt chuẩn hội nhập của hội Doanh nghiệp HVNCLC, có khá nhiều doanh nghiệp đã đạt chuẩn hữu cơ USDA hay EU, hoặc đã có một số loại SP được sản xuất theo phương pháp hữu cơ. Việc quảng bá SP đúng vào những kênh thu mua hiệu quả, sẽ là lựa chọn có triển vọng, như dự định tổ chức “Những ngày hội hàng Việt tại Rungis”.
Ngoài ra, chuyến đi Pháp của đoàn bộ Nông nghiệp và ban dự án xây dựng “HVNCLC – Chuẩn hội nhập” đã kết nối được với nhiều tổ chức tiêu chuẩn châu Âu, trong đó nổi bật là tiêu chuẩn hữu cơ, chắc chắn giúp đẩy nhanh quá trình tiếp cận các tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất, một điều kiện căn bản để đưa hàng vào thị trường châu Âu hiện nay.