Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam": Chỉ hiệu quả khi thực sự nhập cuộc
Tăng cường hỗ trợ DN
Từ đầu năm 2018 đến nay, Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền hàng Việt tới người tiêu dùng đã đẩy mạnh kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, không rõ nguồn gốc.
Đóng vai trò chủ đạo trong việc đưa hàng Việt Nam đến với người tiêu dùng, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu; tổ chức “Ngày hội sản phẩm, hàng hóa vì người tiêu dùng”, đồng thời tổ chức Tuần lễ tri ân người tiêu dùng trong tháng 3, tại 60 điểm của các DN sản xuất, kinh doanh, bán lẻ hàng hóa đảm bảo chất lượng, xuất xứ, nguồn gốc rõ ràng. Đồng thời chỉ đạo các DN bán lẻ, siêu thị tổ chức bán hàng Việt trong tháng công nhân (tháng 5) với giá ưu đãi cho người lao động và đoàn viên công đoàn.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh cho biết: Hoạt động xúc tiến thương mại các sở, ngành và UBND các quận, huyện, thị xã đã tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, cơ sở sản xuất, làng nghề, DN xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa.
Đặc biệt HPA phối hợp, liên kết với các tỉnh bạn trong việc giúp DN, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm nông sản sạch, có nguồn gốc xuất xứ. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn nêu rõ: UBND huyện thông qua việc hỗ trợ DN tìm địa điểm bán hàng thuận lợi trong việc tổ chức phiên chợ Việt, nhờ đó DN có thêm cơ hội quảng bá thương hiệu, đưa hàng Việt tới người tiêu dùng vùng sâu, vùng xa. Đặc biệt đẩy mạnh xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương.
Lúng túng trong triển khai
Thực tế cho thấy, muốn triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sâu, rộng đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả ban, ngành, đoàn thể. Nhưng thực tế cho thấy, nhiều quận, huyện còn lúng túng trong nhận thức nên chưa tích cực tham gia tuyên truyền, tạo điều kiện hỗ trợ mặt bằng cho DN tổ chức các gian hàng, hội chợ hàng Việt Nam… Hiệu quả công tác tuyên truyền cuộc vận động đến các DN, nhà sản xuất chưa cao, nhiều DN chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về cuộc vận động nên chưa mang lại hiệu quả kinh tế hay quảng bá thương hiệu khi tham gia các chương trình này.
Nói về những khó khăn trong quá trình triển khai cuộc vận động khi UBND một số quận, huyện chưa thực sự vào cuộc, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu ví dụ: Hội chợ hàng Việt và bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích" năm 2018 là hoạt động thường niên. Trong thời gian diễn ra hội chợ, Ban tổ chức phối hợp Ban Chỉ đạo Cuộc vận động các quận, huyện, thị xã tổ chức khu gian hàng miễn phí giới thiệu các sản phẩm đặc trưng được sản xuất tại địa phương. Tuy nhiên, ngược lại với sự tích cực, chủ động tham gia của nhiều DN và một số địa bàn, hầu hết các quận, huyện chỉ dừng lại ở mức chuyển văn bản, giấy mời của Ban tổ chức đến DN chứ chưa phát huy vai trò đầu mối và đánh giá đúng nhiệm vụ của việc tham gia Hội chợ hàng Việt. Có thể nói, phần lớn các huyện mới chỉ thành lập Ban Chỉ đạo Cuộc vận động cấp huyện mà chưa có ở cấp xã nên sức lan tỏa chưa cao.
Nhằm khắc phục những bất cập này, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh đề nghị các đơn vị thành viên, Ban Chỉ đạo các cấp cần đẩy mạnh phối hợp, chủ động xây dựng các chương trình cụ thể, phù hợp với địa phương. Đồng thời, công tác tuyên truyền cần tập trung giới thiệu những sản phẩm, thương hiệu có chất lượng; đẩy mạnh kết nối cung - cầu, tháo gỡ khó khăn cho DN. Về phía DN, cần tăng cường sự liên kết giữa DN bán lẻ với các nhà sản xuất trong việc tạo nguồn hàng sản xuất trong nước có giá cả cạnh tranh, bảo đảm đủ tiêu chuẩn chất lượng để có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm tiêu dùng đa dạng và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao của người dân.