Đã có 7 thương hiệu Việt nhượng quyền ra nước ngoài
Kinh doanh nhượng quyền tuy đã phổ biến ở nhiều nước trên thế giới nhưng đến nay mới có dấu hiệu bùng nổ ở Việt Nam, với hàng chục thương hiệu được nhượng quyền từ hàng chục đến hàng trăm cơ sở. Đáng chú, đã có 7 thương hiệu của Việt Nam được nhượng quyền ra nước ngoài.
Hiện tại, tính đến năm 2016, theo số liệu của Bộ Công Thương, Bộ này đã cấp tới trên 150 giấy phép đăng ký kinh doanh nhượng quyền (KDNQ). Đáng chú ý, có tới 7 giấy phép nhượng quyền ra nước ngoài.
Các lớp học về kinh doanh nhượng quyền ở Việt Nam thời điểm này luôn rất đông học viên
Hiện có một số tập đoàn, doanh nghiệp có hoạt động nhượng quyền lớn như Golden Gate có tới 34 cửa hàng Kichi Kichi, 17 chuỗi cửa hàng Sumo BBQ, 15 quán Vuvuzela, 5 quán lẩu nấm Ashima...Huy Việt Nam cũng có tới 60 quán ăn "Món Huế", 31 quán "Phở Ông Hùng"...Redsun ITI có 11 cơ sở ThaiExpess, chuỗi hàng ăn gồm 34 cơ sở King BBQ Buffet
Các nhà đầu tư, kinh doanh cũng đã từ lâu bước chân vào thị trường Việt Nam và có nhiều thương hiệu lớn đã thực hiện nhượng quyền, tạo nên những chuỗi cơ sở, kinh doanh, bán hàng rất mạnh, nhất là trong lĩnh vực đồ uống, thực phẩm. Lotteria vào Việt Nam từ năm 1998, đến nay cũng đã có tới 216 cửa hàng. Và từ năm 2014, hãng này mới thực hiện nhượng quyền cho các tổ chức, cá nhân Việt Nam. Hiện, số cửa hàng được Lotteria bán, chuyển nhượng cho nhà đầu tư Việt Nam đã lên tới 17 cửa hàng.
KFC còn nhảy vào thị trường Việt Nam trước Lotteria 1 năm và đến nay cũng đã có 140 cửa hàng ở 19 tỉnh, thành phố lớn với doanh thu trung bình đạt 30-40 ngàn USD/tháng/cửa hàng. Cà phê thương hiệu Starbucks mới vào Việt Nam từ năm 2013 nhưng đến nay cũng đã có 19 cửa hàng.
Nhiều thương hiệu nội cũng đang sôi nổi thực hiện các hoạt động nhượng quyền. Công ty TNHH Cộng Cà phê mới bắt đầu có cửa hàng đầu tiên từ năm 2007 nhưng đến nay đã có 25 cửa hàng trên cả nước (riêng Hà Nội có 21 quán cà phê Cộng).
Có số lượng cửa hàng khủng nhất, dĩ nhiên, là Tập đoàn Trung Nguyên. Từ năm 1998 đến nay, Tập đoàn này không ngừng mở rộng chuỗi cửa hàng để đến nay đã đạt con số trên 1.200 cửa hàng có tên Coffe Hightland.
Một thương hiệu nhượng quyền rất đáng chú ý của doanh nghiệp Việt khác là Công ty Việt Thái Quốc tế với thương hiệu "Phở 24". Hiện, số cửa hàng mang tên "Phở 24" đã đạt con số 38. Nhưng đáng chú ý là có khoảng 50% số cửa hàng Phở 24 được đặt, nhượng quyền ở nhiều nước và vùng lãnh thổ: Úc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Macao...
Các cửa hàng kinh doanh điện máy cũng đang tưng bừng với các hoạt động mở rộng chuỗi cửa hàng của mình. Nổi bật có: Công ty Thế giới di động với trên 700 cửa hàng mang tên "Thế giới di động"; Công ty Bán lẻ kỹ thuật số FPT với hơn 290 cửa hàng; Nguyễn Kim (18 cửa hàng)...
Đánh giá về tình hình KDNQ ở Việt Nam, bà Nguyễn Phi Vân, thành viên sáng lập Công ty World Franchise Associates khu vực Đông Nam Á cho rằng, nhiều nhà đầu tư quốc tế vẫn ghi nhận thị trường KDNQ ở Việt Nam vẫn đang ở trong nhóm "thị trường đang phát triển", mới bắt đầu đón các thương hiệu nhượng quyền từ các năm 2009-2010.
Trong một trao đổi với Tạp chí FORBES Việt Nam mới đây, bà Vân cũng cho rằng thị trường KDNQ ở Việt Nam vẫn ở giai đoạn "reo hạt giống", chưa có nhiều nhãn thành công và chưa thể coi là thị trường đã phát triển "rầm rộ".
Theo bà Vân, khi các nhãn nước ngoài vào Việt Nam nhiều, các công ty ở Việt Nam học hỏi kinh nghiệm, chuẩn hoá và phát triển nền tảng của mình rồi mới bắt đầu thực hiện các hoạt động nhượng quyền. Thậm chí, bà Vân cho rằng, chưa thấy nhãn Việt Nam nào thực hiện thành công. Chuyên gia về KDNQ này dự báo, sau khi nhượng quyền các lĩnh vực như ẩm thực, bán lẻ, nhượng quyền trong các lĩnh vực như dịch vụ, giải trí, công nghệ...sẽ phát triển theo trong tương lai.