Đa dạng sản phẩm để nâng cao giá trị nông sản Đắk Nông
Đầu tư công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm là giải pháp mà các doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông đang triển khai nhằm nâng cao giá trị cho nông sản.
Tăng chế biến, nâng giá trị cho nông sản Đắk Nông
Nằm ở vùng đất đỏ bazan, Đắk Nông là một trong 5 tỉnh Tây Nguyên có các điều kiện rất thuận lợi để phát triển các loại cây trồng tạo ra những mặt hàng nông sản có năng suất và chất lượng cao được thị trường ưa chuộng. Hiện nay các loại nông sản tiêu biểu của tỉnh bao gồm các sản phẩm như: cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, khoai lang, ngô, cacao và nhiều cây ăn trái như: xoài, bơ, sầu riêng…
Các loại cây trồng trên đã sản xuất ra một lượng hàng hóa lớn đảm bảo tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Tuy nhiên, với đặc thù là một tỉnh có điều kiện cơ sở hạ tầng còn nhiều khó khăn, hệ thống kênh phân phối hiện đại nhỏ lẻ, sức tiêu thụ tại địa phương còn thấp trong khi đó sản lượng từ cây trồng của tỉnh tương đối lớn cà phê 350 ngàn tấn, tiêu 60 ngàn tấn, điều 20 ngàn tấn các loại cây ăn trái như bơ 14 ngàn tấn, xoài 6.000 tấn.
Do đó, thời gian qua, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tăng cường chế biến để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương. Đơn cử, năm 2022, sản phẩm bột ca cao và socola miếng Duy Nghĩa của HTX Nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô) đã được công nhận sản phẩm CNNT cấp tỉnh.
Mỗi năm, HTX đang cung ứng ra thị trường gần 8 tấn sản phẩm socola các loại. Hiện tại, ngoài nguồn nguyên liệu thu mua từ các xã viên, HTX đang liên kết với các hộ dân lân cận để trồng và bao tiêu nguyên liệu.
Theo đại diện HTX, việc chế biến sản phẩm gần nguồn nguyên liệu tại chỗ đã giúp giải quyết tốt nhiều vấn đề cho cơ sở như: giảm chi phí vận chuyển về kho chế biến; sản phẩm sau thu hoạch được đưa vào chế biến ngay, giúp bảo đảm về chất lượng; chủ động được nguồn nguyên liệu cho sản xuất…
Công ty TNHH Thương mại - Xuất nhập khẩu macca sachi Thịnh Phát (Gia Nghĩa) đã cho ra mắt thị trường thêm 3 sản phẩm mới, đó là: măng cụt, sầu riêng và mít sấy thăng hoa.
Tận dụng nhà xưởng có sẵn, đầu năm 2023, doanh nghiệp đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng để nâng công suất cho các máy sấy thăng hoa, xây kho trữ đông nguyên liệu. Công ty hiện đang có 3 kho cấp đông, trữ ông, giúp dự trữ gần 200 tấn nguyên liệu các loại phục vụ sản xuất cho từ nay đến cuối năm.
Từ giữa năm 2023, nhận thấy tín hiệu tốt từ thị trường, doanh nghiệp tranh thủ ngay cơ hội để nghiên cứu, sản xuất thêm các sản phẩm mới. Đây là những sản phẩm được tạo ra từ 100% trái cây tươi, được chế biến bởi công nghệ sấy thăng hoa, nên được nhiều khách hàng đón nhận.
Các sản phẩm mới đang được công ty cung cấp cho các hệ thống các siêu thị mini, kênh phân phối tại Đắk Lắk, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, các tỉnh miền Tây… Mỗi tháng, công ty đang cung ứng ra thị trường khoảng 50 tấn thành phẩm sấy khô. Công ty đang hoàn thiện các thủ tục để đăng ký sản phẩm OCOP cho 3 sản phẩm mới này trong năm 2023.
Với hệ thống máy móc hiện có, sắp tới, doanh nghiệp sẽ làm thêm một số sản phẩm mới như: chanh dây, dâu tây, thanh long, kiwi, chuối… sấy thăng hoa… Tùy theo mùa trái cây và nhu cầu của người tiêu dùng, doanh nghiệp sẽ thu mua và chế biến để đưa sản phẩm ra thị trường.
Hay, tận dụng nguồn mắc ca dồi dào ở địa phương, HTX Nông nghiệp Long Việt (Tuy Đức) hiện đang cung ứng ra thị trường bình quân gần 100 tấn sản phẩm mắc ca sấy mỗi năm.
Để phục vụ cho hoạt động chế biến, HTX đã đầu tư máy móc, thiết bị như: máy xay vỏ xanh, máy sấy, máy hút chân không, máy đóng gói... Ngoài thị trường trong nước, HTX đang tự tin đưa sản phẩm mắc ca rang sấy sang cung ứng cho các đối tác ở nước bạn Campuchia. Việc chế biến sản phẩm mắc ca ngay tại vùng trồng đã giúp giảm bớt khâu thu mua trung gian, nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con. Sản phẩm tiếp cận với đa dạng thị trường, giúp mở rộng và chủ động được đầu ra cho nông sản địa phương.
Hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp
Để phát triển sản phẩm công nghiệp khu vực nông thôn, Đắk Nông đang khuyến khích các nhà máy chế biến nông, lâm sản hiện có đổi mới trang thiết bị, dây truyền công nghệ tiên tiến, hiện đại. Từ đó vừa nâng cao chất lượng sản phẩm, vừa tạo ra các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao.
Theo đó, tỉnh đang đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các sản phẩm công nghiệp mới; trong đó, tập trung vào các sản phẩm có lợi thế như: cà phê, tiêu, điều, cao su, cây ăn quả, gỗ, lâm sản ngoài gỗ và các sản phẩm từ chăn nuôi như thịt gia súc, gia cầm, mật ong, chế biến thức ăn gia súc...
Bên cạnh đó, Đắk Nông đặt mục tiêu tăng cường năng lực sản xuất cho doanh nghiệp. Từ đó giúp tiêu thụ nông sản tại chỗ cho bà con.
Trong giai đoạn 2026-2030, Đắk Nông đặt chiến lược thu hút đầu tư các dự án chế biến cà phê, nâng công suất chế biến cà phê nhân lên 350.000 - 400.000 tấn/năm; cà phê bột từ 8.000 - 10.000 tấn/năm.
Đến năm 2030, địa phương tiếp tục thu hút thêm nhiều dự án chế biến điều, nâng công suất chế biến lên từ 15.000 - 20.000 tấn/năm; các dự án chế biến hồ tiêu để nâng công suất chế biến lên từ 40.000 - 45.000 tấn/năm; các dự án chế biến đậu phộng, đậu nành sấy để nâng công suất lên từ 15.000 - 20.000 tấn/năm; tiếp tục thu hút các dự án chế biến trái cây, hoa quả.
Ông Nguyễn Bá Út - Giám đốc Sở Công Thương Đắk Nông cho biết, trong thời gian tới, ngành sẽ ưu tiên hỗ trợ nguồn vốn khuyến công cho phát triển sản xuất, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, quảng bá sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ.