Đặc sản rau đọt choại "phủ sóng" thị trường TP.HCM như thế nào?

Ý tưởng cung cấp các loại rau đặc sản hoặc rau dại nên thuốc cho thị trường TP.HCM đã có không ít người làm. Song đa số đều chạy mất dép hoặc ứ hự bù lỗ, sau 3 – 6 tháng vì không trường vốn. Riêng anh “Tài đọt choại” vẫn cười hề hề...

Hạnh ngộ

Anh Tài bén duyên với loại rau dại này rất tình cờ. Đầu năm 2011, trong một lần ăn cơm với khách hàng tại nhà hàng Hoa Sứ, ở TP Cần Thơ, thấy trong thực đơn có món đọt choại (chạy) luộc chấm kho quẹt lạ hoắc nên gọi thử. Không ngờ, rau rất giòn chấm cùng mắm quẹt thật hao cơm. Lúc đó, anh làm trưởng phòng kinh doanh cho một công ty chuyên sản xuất dây kéo trong nước. “Công việc vẫn suôn sẻ, song tôi muốn làm chủ cuộc đời mình, tôi muốn khởi nghiệp”.

alt

“Ở Sài Gòn chưa có, tại sao mình không phân phối loại rau này?”, nghĩ là làm, anh quyết bỏ ra ba tháng đi khảo sát vùng nguyên liệu. Dân miền Tây vốn cởi mở, nên đường tới các bưng, chợ đọt choại đều ở trên… cửa miệng. Xuống tận các thị trấn Trà Lồng, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang; U Minh Thượng (Kiên Giang)… anh mới biết đây là loại rau sạch quen thuộc của dân bản địa. Ở các chợ địa phương, tiểu thương thường bán rau bằng rổ. Mỗi rổ vun ngọn cỡ 2 ký, giá khoảng 30.000 – 40.000đ, tuỳ theo mùa.

Rủ rê bạn bè

Vậy là anh quyết định khởi nghiệp với loại rau mới. Quay về TP.HCM, anh chia sẻ ý tưởng này với hai người bạn thân khác. Một người bán thức ăn cho tôm cá ở miền Tây, còn người khác kinh doanh thiết bị xăng dầu ở Sài Gòn. Cả hai anh này, đều cho là ý tưởng hay nên cùng tham gia góp vốn: 20 triệu đồng/người.

Họ phân công công việc rõ ràng: anh Tài lo quản lý và điều hành nhân viên bán hàng. Hai người còn lại đưa ra ý tưởng và chiến lược kinh doanh. Họ chấp nhận bù lỗ từ 3 – 6 tháng và sau một năm sẽ rút ra 1/2 lợi nhuận, nếu có lời.

Buổi đầu, nhiều chủ hàng quán lắc đầu vì không biết đây là rau gì, chế biến ra sao. Không nản, ngày nào anh cũng tặng cho tám chủ hàng quán lớn ở các quận 1, 3… dùng thử, mỗi người 2 ký, suốt ba tháng trời, bất kể trời nắng chang chang hay mưa như trút nước. Đồng thời, anh còn hướng dẫn các cách chế biến phổ biến: luộc, xào tỏi, nhúng lẩu chua hay lẩu mắm. Song song đó, anh còn in poster đọt choại, kích thước cỡ 40 X 20cm, để khách hàng nhận diện sản phẩm. Đến nay, anh đã có câu slogan in kèm: “Rau đọt choại món dân dã gợi nhớ quê nhà!”

Khúc dạo đầu lỗ ròng ba tháng, mất toi 15 triệu đồng/tháng, gồm tất cả chi phí: chào hàng, vận chuyển, thuê mặt bằng… Nhưng mọi người vẫn nhất quyết “chơi tiếp!”

Tận dụng nhiều kênh bán hàng chi phí thấp

Sang tháng thứ tư đã có một số chủ nhà hàng lớn đồng ý nhập loại rau phải đánh lưỡi uốn miệng khi gọi tên. “Ấn tượng đầu tiên là anh Tài có nụ cười rất tươi, trông có vẻ hạnh phúc lắm với nghề bán rau này. Ảnh cũng rất “chịu chơi”, rau bán không hết, hôm sau lỡ có xuống màu, đổi lại rau mới thoải mái, giá cả cũng ổn định không cà giựt như mấy mối khác”, ông Hồ Việt Hùng, chủ Làng nướng Nam bộ, chi nhánh quận 10, TP.HCM kể lại ấn tượng ban đầu về anh Tài.

Anh Tài lại gãi đầu cười hề hề giải thích: “Cái đó chúng tôi đã tiên liệu rồi. Hạn sử dụng của đọt choại không quá 2 – 3 ngày, dù trữ đúng chuẩn trong tủ mát. Với lại, tôi đã thống nhất với bà con dưới quê giá cả thu mua, theo kiểu bù qua sớt lại. Có nghĩa, mùa mưa tôi sẽ mua vào cao hơn giá chợ từ 2.000 – 5.000đ/kg, nhưng đến mùa khan hàng – mùa nắng – vẫn một giá đó”.

Đồng thời, nhóm anh Tài cũng tập tành chơi “phây”, chủ yếu để chào bán hàng. Hạnh phúc nhất là có một cô Việt kiều Úc, gốc Đồng Tháp vào phây của anh Tài, đặt mua 2 ký rau choại, nhờ chuyển đến cho mẹ chị ở quận 3, khoảng giữa năm 2011. Đến nay, lượng khách hàng mới trên “phây” của anh liên tục tăng, trung bình khoảng mười người/ngày.

Như diều gặp gió, gần cuối năm 2011, có một bài ghi nhận thị trường về một rau dại quen mà lạ dần chiếm cảm tình nhiều thực khách Sài Gòn (Đọt choại lên đời, tác giả: Như Trần), thêm nhiều người biết và tin dùng loại rau nên thuốc này nhiều hơn. Nhân tiện, anh Tài trích dẫn lại thông tin về những vi chất có lợi trong rau như: “giúp chống oxy hoá, giàu chất béo omega-3, omega- 6 và chất sắt” lên “phây”… càng gia tăng giá trị cho loại rau dân dã này.

Nhờ vậy, tổng kết cuối năm 2011 nhóm anh có cớ để cụng ly ăn mừng: lời 120 triệu đồng/năm. Rồi doanh thu cứ tăng đều khoảng 10% trong những năm sau.

Hiện anh Tài đã cung cấp hàng thường xuyên cho 80 hàng quán mối, lớn, nhỏ ở khắp các quận nội ngoại thành TP.HCM. Bên cạnh đó, một số cửa hàng tiện lợi ở quận 1 và Tân Bình cũng bán hàng của anh. Cho nên, năng suất tiêu thụ của tất cả các kênh này, khoảng 3,5 – 5 tấn/tháng. Riêng tháng 7 – mùa chay – anh Tài dự tính thị trường sẽ ăn mạnh rau choại, không dưới 5 tấn/tháng. Theo đó, vùng rau nguyên liệu cũng tăng theo từ 1 – 2 khu ở Hậu Giang, Kiên Giang nay đã lên đến sáu vùng, trải dài qua Đồng Tháp, chạy ngược về Tiền Giang – Long An.

Còn tại TP.HCM, vừa làm quản lý vừa giám sát bán hàng, kiêm luôn việc tìm kiếm khách hàng mới và chăm sóc khách hàng cũ nên mỗi tuần anh Tài phải thay đổi địa bàn (quận). “Nghề này cũng đặc biệt lắm, dịp lễ, tết không được nghỉ ngơi và phải giao hàng gần gấp đôi, trong vòng 2 tiếng đồng hồ của buổi sáng: từ 9 – 10g. Đôi khi gặp kẹt xe, trễ 15 – 20 phút đã bị phàn nàn”.

Niềm vui lớn nhất với anh “Tài đọt choại” là góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân quê chân lấm tay bùn. Họ đã bắt đầu ý thức dưỡng những bưng, rẫy mọc nhiều đọt choại, không chặt phá bừa bãi nữa. Đồng thời, không ít dân Sài Gòn rặt đã biết được đọt choại là đọt gì. Bù lại, lợi nhuận từ hàng tháng từ việc kinh doanh của nhóm anh Tài đã vọt lên không dưới 25 – 30 triệu/tháng.

Mặc dù vậy, bạn đừng vội nghĩ anh Tài đang say men chiến thắng. Có lần anh tâm sự: “Món ăn nào mà chẳng cần rau. Mình chỉ cần cung cấp 3 – 4 loại rau độc cho tất cả các nhà hàng ở thành phố đông dân nhất nước này là sống khoẻ”. Đã rõ, anh chọn chiến thuật chậm mà chắc, rồi “theo vết dầu loang”, ban đầu là đọt choại, kế nữa là rau bí nụ và vài loại rau bí mật khác.

VnCharm

Theo Thế giới tiếp thị

Bình luận của bạn