Đau đáu hàng Việt cho bà con tại Pháp đón Tết
So với các nước khác, Pháp là một trong những nơi thực phẩm Việt đa dạng nhất. Tuy nhiên, còn đó nỗi lo lớn về hàng hóa chất lượng thương hiệu Việt cạnh tranh tốt tại thị trường này.
Tại Pháp, bà con người Việt có thể dễ dàng tìm mua từ đào, quất cho tới mứt tết hay các sản phẩm gấc đông đá, gạo nếp ngon … để tạo một mâm cơm đầy đặn dâng lên tổ tiên. Siêu thị do người Việt làm chủ tại Pháp Thanh Bình Jeune những năm gần đây không ngừng nỗ lực đưa thêm các sản phẩm Việt sang phục vụ bà con.
Ông Ngô Minh Đường, chủ siêu thị Thanh Bình Jeune cho biết: “Đặc biệt năm nay có trái dừa xiêm của Bến Tre để bà con có thể bày lên ban thờ cúng hay thưởng thức trong gia đình.
Mỗi năm, mứt Tết cũng là một sản phẩm được bà con mua nhiều để bày Tết, đón khách ngày Tết, nhưng ăn cũng hạn chế do hơi ngọt. Năm nay, nhiều doanh nghiệp đem sản phẩm sang để bà con trực tiếp nếm như bánh đậu xanh, cà phê túi lọc, gấc nấu xôi”.
Năm nay, siêu thị Thanh Bình phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp tổ chức trưng bày hàng Việt đón Tết từ sớm để bà con biết thêm về các sản phẩm mới, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng khó khăn của châu Âu như gạo hữu cơ, bánh đậu xanh, gấc đóng hộp, cà phê túi lọc …
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, siêu thị Thanh Bình và các hộ buôn bán nhỏ lẻ người Việt tại Pháp cạnh tranh rất khó khăn với các siêu thị do người Hoa làm chủ như Tang Freres, Paris Store có quy mô rất lớn…
Tại các siêu thị đó, rất nhiều sản phẩm được coi là truyền thống của Việt Nam như gạo, nước mắm… lại được nhập từ các quốc gia khác như Campuchia, Thái Lan. Nhiều sản phẩm thuần Việt chỉ tìm thấy riêng tại Thanh Bình Jeune thì giá thành thường rất cao, được tiêu thụ với khối lượng nhỏ để đáp ứng nỗi nhớ quê nhà của bà con người Việt có thu nhập tương đối.
Tại thị trường Pháp, rất nhiều những sản phẩm truyền thống của ta lại không phải được xuất từ Việt Nam, hoặc hàng Việt xuất thẳng sang Pháp thì giá thành rất lớn, tình trạng một số container từ Việt Nam xuất sang không đảm bảo chất lượng…
Rõ ràng con đường xây dựng hàng hóa thương hiệu Việt Made in Vietnam có sức cạnh tranh tốt tại Pháp và châu Âu đã chứng kiến những nỗ lực lớn nhưng còn đầy chông gai.
Riêng siêu thị Thanh Bình Jeune đã phải tự tổ chức và huấn luyện nông dân tại Việt Nam trồng gạo sạch tại Trà Vinh, trồng vải sạch tại Bắc Giang… để có được nguồn sản phẩm đảm bảo xuất sang Pháp.
Ông Ngô Minh Đường chia sẻ những khó khăn để có được sản phẩm gạo sạch hữu cơ đầu tiên của Việt Nam được công nhận tại Pháp: “Trên một cù lao, mình ký hợp đồng với nông dân trồng cho mình đặc biệt loại gạo này, sau đó theo quá trình của một công ty chứng nhận của Pháp, phải qua quá trình 3 năm kiểm tra thì mới được công nhận là sản phẩm hữu cơ.
Với điều kiện nông dân không dùng thuốc trừ sâu, các chất hóa học, hoàn toàn hữu cơ, khi đó sẽ được công nhận bởi Pháp và châu Âu. Đây là sản phẩm gạo hữu cơ đầu tiên của Việt Nam trên thị trường Pháp. Quá trình sản xuất rất khó khăn, sản lượng yếu, nông dân không muốn làm, chúng tôi phải hỗ trợ nông dân bằng cách mua giá cao hơn nhiều lần thì nông dân mới kiên trì làm”.
Tuy nhiên cách làm này chỉ mang tính cá thể, giá rất cao khó cạnh tranh tốt vì thế khó có thể nhân rộng để chúng ta có thể mở rộng sự có mặt với quy mô lớn cho hàng Việt tại thị trường này.
Đặc biệt khi hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU đi vào hiệu lực vào 2018 thì chúng ta phải có sự chuẩn bị tốt về chất lượng hàng hóa mang thương hiệu Việt để có thể nắm bắt những cơ hội mà hiệp định đem lại.
Câu chuyện hàng hóa đảm bảo chất lượng, với những sản phẩm mang thương hiệu Việt vẫn còn rất nhiều gian nan phía trước, đòi hỏi nỗ lực lớn của tất cả các cơ quan chức năng, người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu … làm sao để bà con người Việt ở nước ngoài có một cái Tết đậm truyền thống và niềm tự hào./.