Dấu hiệu hồi sinh xóm lồng đèn Phú Bình

Lồng đèn bóng kiếng, một thời hoàng kim

Những năm 1950, nhiều người dân từ làng Bác Cổ và Báo Đáp (T.Nam Định) vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề truyền thống là làm lồng đèn giấy kiếng cổ truyền ở Việt Nam. Phú Bình được chọn là nơi sinh sống và phát triển sản xuất lồng đèn giấy kính lớn nhất tại miền Nam, với hàng trăm hộ dân sinh sống bằng nghề này.

Chị Diễm - một trong những nghệ nhân đang tạo hình cho lồng đèn ngôi sao

Lồng đèn Phú Bình còn có tên gọi là đèn Báo Đáp (tên ngôi làng – Pv), với ý nghĩa nhớ ơn và đền đáp công ơn tổ tiên đã gầy dựng nghiệp. Những loại lồng đèn giấy kiếng truyền thống đủ màu sắc, hình thù từ ông sao, thiên nga, tàu thủy, phượng hoàng, con gà,…

Những nan tre được uốn thành hình trước khi dán giấy kiếng và vẽ họa tiết

Thuở ấy, lồng đèn Phú Bình vang danh đến mức các nhà thờ trong khu vực thường xuyên đặt hàng vào những dịp lễ, giáng sinh. Sau mỗi đợt lễ, thu nhập của cả xóm cũng tăng thêm mặc dù số lượng sản xuất thấp nhưng giá để làm khá cao.

Một lồng đèn truyền thống dù kích thước lớn hay nhỏ, thiết kế đơn giản hay cầu kỳ đều được chuẩn bị trong thời gian dài. Từ sau dịp Tết Nguyên đán, nhiều nhà phải xuống các tỉnh miền Tây đặt mua lồ ồ, tre để chẻ nan tạo khung, bởi loại cây này có độ dẻ và dễ tạo hình. Trải qua 10 công đoạn (chẻ nan, tạo hình, kết kẽm, dán giấy, sơn phết, vẽ trang trí) sản phẩm mới thành hình.

Vẽ họa tiết trang trí cho chiếc đèn lồng giấy kiếng

Việc chất lượng của lồng đèn được đánh giá bởi cách tạo hình, trang trí họa tiết và kỹ thuật cắt giấy, bôi hồ, dán,… điều này đòi hỏi người thợ phải sáng tạo, khéo léo trong từng chi tiết. Theo những cơ sở sản xuất, mỗi ngày họ chỉ thực hiện gần 20 chiếc lồng đèn loại nhỏ với giá bán thành phẩm từ 20.000 đến 50.000 đồng. Riêng những lồng đèn cỡ lớn thời gian có khi kéo dài cả ngày mới hoàn thành.

Chiếc đèn lồng giấy kiếng cổ do những người thợ lành nghề tại Xóm Phú Bình thực hiện

Một thời huy hoàng là thế, nhưng hơn 10 năm trở lại đây. Mỗi mùa Trung thu, lồng đèn Phú Bình lại dần mất đi những hình ảnh nhà nhà, người người chung tay quây quần làm lồng đèn. Việc một chiếc lồng đèn giấy kiếng được làm thủ công sẽ có chi phí cao hơn hẳn so với loại lồng đèn sản xuất theo dạng công nghiệp. Mẫu mã, công nghệ không đa dạng đã khiến sức tiêu thụ giảm mạnh và việc sản phẩm không có lời khiến nghệ nhân không dám đầu tư thực hiện và sáng tạo.

Cả xóm giờ đây chỉ còn lác đác vài chục hộ bám trụ với nghề, còn lại họ tìm một công việc khác…

Dấu hiệu hồi sinh lồng đèn giấy kiếng

Theo các nghệ nhân thực hiện, những năm nay với chủ đề biển đảo - ngư dân đang được khách hàng ưa chuộng nhưng vẫn chỉ ở mức độ khách quan nên các cơ sở không dám làm số lượng lớn. Nhiều hộ đã phải thức khuya để chẻ thêm nan, uốn khung để tạo hình để hoàn thành cho kịp tiến độ.

Chủ đề ngư dân - biển đảo được ưa chuộng trong mùa Tết Trung thu năm trước

Chị Diễm (37 tuổi) - một nghệ nhân cho biết, “Mùa Trung Thu những năm trước, cả xóm bắt tay vào việc từ sáng sớm đến khuya. Người vẽ, người dán, người sơn,… nhưng đến nay chỉ còn làm cho đỡ nhớ nghề chứ bán chẳng có lời, làm mẻ nào là chôn vốn mẻ đó”.

Một cửa hàng buôn bán lồng đèn trên đường Lương Nhữ Học (Q.5) nhận định, các tỉnh dạo này không còn chuộng lồng đèn giấy kiếng do việc vận chuyện lồng đèn giấy kiếng rất tốn kém chi phí, dễ hư hỏng và tâm lý phụ huynh lựa chọn lồng đèn nhựa nhằm “ăn chắc mặc bền” nên việc xóm lồng đèn Phú Bình ngày càng heo hút người theo nghề.

Lồng đèn là những món đồ chơi không thể thiếu của trẻ em trong dịp Tết Trung thu

Trong hai năm trở lại, nhiều tiểu thương, cơ sở đã không nhập lồng đèn Trung Quốc để bán vì sức mua loại hàng này cũng ngày càng ít, nhiều lồng đèn từ mùa trước đến nay vẫn chưa bán được. Phần khác là công tác tuyên truyền “người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã phần nào giúp những lồng đèn “made in Vietnam” đánh bật đối thủ ra khỏi thị trường.

Mặc dù thị trường có sự chuyển biến lạc quan, nhưng các nghệ nhân tại xóm lồng đèn Phú Bình vẫn chưa đủ niềm tin vào thị trường để sản xuất trở lại. Một số hộ tại xóm lồng đèn vẫn giữ tâm huyết bám trụ nghề với quan điểm “có người mua lồng đèn giấy kiếng là còn làm”.

Nhiều người đến với xóm Phú Bình để chọn mua những lồng đèn giấy kiếng độc đáo

Vẫn biết lồng đèn giấy kiếng mang đậm nét văn hóa dân gian truyền thống trong ký ức nhiều thế hệ và các nghệ nhân luôn mong muốn bảo tồn làng nghề; nhưng để lồng đèn giấy kiếng có quay trở về thời huy hoàng hay không vẫn còn một câu hỏi mà chưa có đáp án.

Tuy nhiên loại hình này đã có những dấu hiệu cho thấy đã và đang hồi sinh!

Bình luận của bạn