Đấu thầu trong ngành điện: Hàng Việt gia tăng thị phần

 Mặc dù còn một số mặt hàng chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiều chủ đầu tư, bên mời thầu đánh giá khả năng cung ứng vật tư, thiết bị cho ngành điện của các nhà sản xuất trong nước đang từng bước tốt lên.

Hàng hóa sản xuất trong nước được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà thầu triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Trọng Bằng

Hàng hóa sản xuất trong nước được ưu tiên trong quá trình lựa chọn nhà thầu triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Ảnh: Trọng Bằng

Đã có những doanh nghiệp tên tuổi

Đánh giá về khả năng cung ứng hàng hóa của các nhà sản xuất trong nước cho ngành điện, trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Quản lý xây dựng thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhận xét: “Nhiều vật tư, thiết bị cung ứng cho ngành điện hiện nay đều do các doanh nghiệp trong nước sản xuất với chất lượng khá tốt như: máy biến áp 500 kV, dây cáp điện… Khi đấu thầu triển khai các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước, nhiều vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước đã đáp ứng được yêu cầu và được lựa chọn”. Đề cập về vấn đề chất lượng vật tư, thiết bị doanh nghiệp trong nước sản xuất được, ông Định nói: “Tùy từng loại vật tư, thiết bị, nhưng về cơ bản, nhiều hàng hóa của Việt Nam đã đáp ứng được yêu cầu”.

Ông Trịnh Hoàng Dũng, cán bộ Phòng Quản lý đấu thầu  thuộc Ban quản lý Dự án lưới điện TP.HCM chia sẻ: “Khả năng cung ứng vật tư, thiết bị của các nhà sản xuất trong nước cho ngành tương đối tốt. Đơn cử như mặt hàng dây cáp điện là gần như 100% dùng hàng trong nước, ít khi phải nhập khẩu. Các mặt hàng thiết bị điện do Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh sản xuất cũng chiếm tới 90% thị phần tại TP.HCM”.

Theo ông Trần Văn Quang, Tổng giám đốc Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, khi chưa sản xuất được máy biến áp 500 kV, Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm để nhập khẩu máy biến áp cho hệ thống điện. Tuy nhiên, Tổ máy biến áp 500 kV được doanh nghiệp thiết kế thành công đã làm lợi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Thành công của công trình đã mang lại một sản phẩm mới, có giá trị cao về công nghệ và kinh tế cho đất nước, đem lại công ăn việc làm cho hàng nghìn người lao động có kỹ thuật và chúng ta đã làm chủ được hệ thống điện chủ lực 500 kV.

Đại diện Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương, một trong những thương hiệu hàng đầu Việt Nam cho biết: “Hiện sản phẩm của Công ty đã có mặt tại một số nhà máy nhiệt điện như: Phả Lại, Ninh Bình, Vũng Áng…, chủ yếu để thay thế cho các sản phẩm nhập ngoại trước đây. Đáng mừng hơn là Công ty đã hoàn toàn làm chủ và cung cấp bơm cho dây chuyền của các nhà máy nhiệt điện”. 

Doanh nghiệp phải vì chất lượng

 

Các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm thế giới để có những cải cách phù hợp trong quản lý, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm
Mặc dù có những đánh giá khá tích cực đối với khả năng cung ứng của các nhà sản xuất trong nước đối với vật tư, thiết bị cho ngành điện, song vẫn có chủ đầu tư/bên mời thầu, ban quản lý dự án băn khoăn về chất lượng sản phẩm.

 

Hiện Ban Quản lý dự án lưới điện TP.HCM đang lựa chọn nhà thầu thực hiện Gói thầu số 2: “Cung cấp vật tư, thiết bị, thi công xây dựng, lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh toàn dự án” thuộc Dự án Trạm biến áp 110 kV Hóc Môn 2. Tuy nhiên, sau lần tổ chức đấu thầu đầu tiên, đơn vị này vẫn chưa tìm được nhà thầu. Ông Trịnh Hoàng Dũng chia sẻ: “Hầu hết HSDT của các nhà thầu đều chào những thiết bị không phù hợp, có giá rẻ nhưng không đảm bảo yêu cầu của HSMT”.

Cách đây ít lâu, một doanh nghiệp lớn trong ngành điện có tổ chức lựa chọn nhà thầumua sắm công tơ điện tử cho ngành điện vớigiá trị mua sắm khá lớn. Điều mà đại diện doanh nghiệp này tâm tư là trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, số lượng nhà thầu Việt Nam tham gia cung ứng rất hạn chế.

Để các thiết bị, vật tư trong nước sản xuất được nâng cao thị phần trên thị trường Việt Nam, ông Dũng cho rằng: “Các doanh nghiệp phải tập trung đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng hàng hóa. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm thế giới để có những cải cách phù hợp trong quản lý, đổi mới, nâng cao chất lượng sản phẩm”.

Tán thành quan điểm doanh nghiệp cần thiết phải đầu tư công nghệ, song ông Định lưu ý: “Khi đầu tư, doanh nghiệp cũng phải biết chọn những lĩnh vực nào chúng ta có ưu thế, đừng nghĩ rằng nhập là không tốt. Chúng ta phải biết tận dụng tối đa ưu thế của hàng ngoại.Nếu hàng ngoại có chất lượng và giá cả hợp lý hơn thì có thể nhập khẩu. Doanh nghiệp hay một ngành công nghiệp muốn phát triển bền vững phải không ngừng nâng cao chất lượng hàng hóa, không thể chỉ tập trung vào lợi nhuận trước mắt”.

Bình luận của bạn