Để có thêm nhiều hàng Việt dự thầu
Chỉ thị về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước đã được ban hành hơn 6 năm. Kết quả đạt được khá tích cực, tuy nhiên vẫn chưa được như mong đợi.
Thành tựu khi đưa hàng Việt vào đấu thầu
Theo đánh giá tại Hội nghị sơ kết Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Công Thương tổ chức mới đây, hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định trong các cơ sở phân phối không chỉ của doanh nghiệp trong nước, mà còn của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Người Việt Nam đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và thay đổi hành vi tiêu dùng theo hướng ưu tiên mua sắm hàng hóa trong nước.
Theo ông Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, Chỉ thị số 494/CT-TTg ngày 20/4/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vật tư, hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước là một chủ trương đúng đắn, góp phần thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, giảm nhập siêu, tăng khả năng cạnh tranh của hàng Việt.
Đánh giá kết quả thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg, một báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư gần đây ghi nhận, việc thực hiện Chỉ thị 494/CT-TTg đã đem lại những tác động tích cực đối với công tác đấu thầu các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước. Chỉ thị này đã tạo thêm động lực quan trọng để các doanh nghiệp trong nước đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất để cung ứng cho thị trường trong nước các sản phẩm bảo đảm chất lượng, giá cả cạnh tranh. Việc sử dụng hàng hóa trong nước cũng góp phần tạo thêm việc làm cho người lao động. Đáng lưu ý, việc thực hiện Chỉ thị đã từng bước làm thay đổi nhận thức, giúp các chủ đầu tư, bên mời thầu thấy rõ ý nghĩa của việc sử dụng hàng hóa trong nước.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi II cho biết: “Là một đơn vị tư vấn xây dựng, chúng tôi luôn ưu tiên khai thác tối đa hàng hóa trong nước sản xuất được”. Tuy nhiên, ông Tiến cho rằng: “Đôi khi hàng hóa trong nước chất lượng không bằng hàng nhập, thời gian sử dụng ngắn hơn…, nên tùy từng sản phẩm mà dùng hàng trong nước hay nước ngoài”.
Khó khăn còn đó!
Ghi nhận những kết quả tích cực đã đạt được, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình thực hiện Chỉ thị số 494/CT-TTg tại các bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc dẫn tới việc sử dụng vật tư, hàng hóa trong nước trong công tác đấu thầu còn hạn chế.
Chia sẻ với Báo Đấu thầu, ông Trần Minh Châu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Châu Minh Long chuyên sản xuất các sản phẩm cơ khí chia sẻ, để tham gia lựa chọn nhà thầu các dự án đầu tư có sử dụng vốn nhà nước, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa ít khi có cơ hội.
Còn ông Nguyễn Trọng Nam, Giám đốc Công ty CP Chế tạo bơm Hải Dương thì cho rằng: “Các chủ đầu tư, tổng thầu và tư vấn thiết kế của các dự án chưa thực sự mở lòng với các sản phẩm trong nước. Họ vẫn nghĩ rằng sản phẩm trong nước chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và muốn lựa chọn các thương hiệu nước ngoài đưa vào thiết kế để tránh rủi ro”.
Đại diện một ban quản lý dự án chuyên mua sắm vật tư, hàng hóa cho các công trình/dự án giao thông lớn thừa nhận, một số máy móc thiết bị, vật tư, nguyên liệu trong nước chưa cạnh tranh được về chất lượng với sản phẩm cùng loại được nhập từ nước ngoài. Do đó, dẫn tới chi phí sửa chữa, bảo trì, thay thế trong quá trình vận hành sử dụng tăng. Một số sản phẩm còn bị lỗi thiết kế và chế tạo dẫn đến khi lắp đặt vận hành phải chỉnh sửa, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án. Bên cạnh đó, có không ít nhà sản xuất trong nước chỉ gia công được những bộ phận đơn giản, còn lại phải nhập khẩu về để lắp ráp. Những loại máy móc này có giá cạnh tranh, nhưng tính đồng bộ không cao.
Để tăng cường sử dụng hàng hóa trong nước trong các dự án đầu tư công, ông Cận kiến nghị: “Tới đây, trong các HSMT nếu có những nội dung liên quan đến thiết bị, vật tư… thì các chủ đầu tư/bên mời thầu hay tư vấn phải ưu tiên dùng hàng trong nước. Nếu vi phạm thì phải xử lý mới ưu đãi được hàng trong nước”.
Đại diện Tổng công ty Cơ khí xây dựng (COMA) cho rằng, Nhà nước cần mạnh dạn, ưu tiên giao các dự án EPC cho những doanh nghiệp Việt Nam có năng lực, kinh nghiệm, thực hiện nhằm sử dụng nguồn nhân lực, vật tư hàng hóa sẵn có trong nước. Nên tránh việc giao cho các doanh nghiệp nước ngoài, sau đó họ thuê lại chính các doanh nghiệp của Việt Nam.