Để đồ chơi Việt làm “chủ sân”
Với tỷ lệ trẻ em chiếm hơn 1/3 trong hơn 90 triệu dân, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp đồ chơi trẻ em. Sự vươn lên của doanh nghiệp (DN) đồ chơi nội địa hay của các startup đã rút ngắn khoảng cách về giá của sản phẩm đồ chơi an toàn, giúp phụ huynh có nhiều lựa chọn.
Lợi thế nào cho đồ chơi Việt?
Là chủ một DN đồ chơi sạch 100%, bà Trần Thị Kim Hoa - Giám đốc Công ty CP Thương mại và Đầu tư Cánh Diều - cho biết: Đồ chơi Việt hoàn toàn đủ sức cạnh tranh về chất lượng, giá cả với hàng ngoại nhập. Hiện nay, phụ huynh Việt Nam đời sống tốt hơn, lại rất quan tâm đến chất lượng đồ chơi cho con. Phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang ở giai đoạn mạnh mẽ, là lợi thế rất lớn. Đây có thể coi là thời điểm “vàng” để đồ chơi Việt bứt phá.
Phần lớn đồ chơi được sản xuất từ các nguyên vật liệu như gỗ, vải, nhựa nguyên sinh… vừa thân thiện với môi trường, vừa an toàn cho trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 6 tuổi thường có thói quen bỏ đồ chơi vào miệng. Những sản phẩm đồ chơi nội tập trung vào chất lượng sản phẩm, tô đậm màu sắc thuần Việt là chìa khóa mà các DN sản xuất đồ chơi trong nước sử dụng để cạnh tranh. Ngoài tính giải trí, các sản phẩm đồ chơi Việt còn chú trọng vào tính giáo dục, hỗ trợ sự phát triển an toàn, lành mạnh cả về thể chất và tinh thần đối với trẻ, phát huy sức sáng tạo, tư duy logic và ham khám phá ở trẻ.
Bên cạnh đó, đa phần các sản phẩm đồ chơi Việt Nam sản xuất trong nước có thể giảm giá thành bằng cách giảm chi phí vận chuyển và cung ứng nhanh hơn cho người tiêu dùng. Hơn nữa, vấn đề kiểm soát chất lượng, thị hiếu phù hợp với người tiêu dùng được các DN nội điều chỉnh nhanh hơn các đơn vị sản xuất đồ chơi ở nước ngoài do không quen với tập quán, văn hóa tiêu dùng của người Việt. Đó là những lợi thế cơ bản của sản xuất đồ chơi trong nước.
Hợp lực cùng phát triển
Tuy có những lợi thế kể trên song theo đánh giá của giới chuyên gia, thị trường đồ chơi Việt Nam vẫn đang bị chi phối mạnh bởi các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, vốn có mẫu mã phong phú, số lượng lớn, giá rẻ.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên - Tổng giám đốc Công ty CP Đồ chơi an toàn Việt, để sản xuất được một sản phẩm mới từ nghiên cứu, lên ý tưởng mẫu, hình thành sản phẩm hoàn chỉnh tốn thời gian đến cả năm trời. Thêm vào đó là thời gian kiểm định chất lượng, làm chứng nhận cũng như định kỳ kiểm tra trước khi đưa sản phẩm ra thị trường tiêu thụ. Mặc dù tuân thủ quy định về kiểm tra tính an toàn, nhưng những quy trình này khiến đồ chơi Việt trở nên kém sức cạnh tranh, trong khi hàng nhập ngoại, nhất là hàng Trung Quốc liên tục cập nhật mẫu mới trên thị trường. Mặt khác, việc cung cấp các sản phẩm đồ chơi của DN Việt chưa được đa dạng, phong phú, mỗi doanh nghiệp chọn cho mình một mảng để phát triển.
Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm đồ chơi Trung Quốc giá rẻ “phủ sóng” từ thành thị đến nông thôn thì sản phẩm đồ chơi Việt vẫn tập trung ở các thành phố lớn. Một bộ phận người tiêu dùng chưa phân biệt được đâu là hàng sản xuất trong nước với hàng có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí không quan tâm xuất xứ của sản phẩm, tạo điều kiện cho sản phẩm đồ chơi không an toàn chiếm lĩnh thị trường.Để người tiêu dùng nhận biết được giá trị của những sản phẩm chất lượng và an toàn, theo các chuyên gia, mỗi DN cần có định hướng chuyên sâu, cũng như đẩy mạnh công tác truyền thông hình ảnh thương hiệu. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý cần mạnh tay với các hành vi vi phạm, gian lận thương mại đối với mặt hàng này.