Để hàng Việt luôn chiếm được niềm tin người tiêu dùng

Mặc dù hàng Việt đã có chỗ đứng nhất định, song các doanh nghiệp vẫn cần nâng cao hơn nữa chất lượng, giảm giá thành sản phẩm.

Sau hơn 9 năm phát động, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự đi vào chiều sâu, tạo được sự quan tâm, hưởng ứng của người dân, doanh nghiệp, địa phương và có sức lan tỏa mạnh mẽ.

Đánh giá của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động cho thấy, cuộc vận động đã góp phần vào việc nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc lựa chọn, tiêu dùng hàng Việt, giúp doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm, không ngừng cải tiến và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới quy trình sản xuất, quản lý nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng, bảo đảm sức cạnh tranh sản phẩm, hàng hóa đáp ứng nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng.

Điều tra nghiên cứu dư luận xã hội do Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện cũng cho kết quả khả quan, khi 92% người tiêu dùng Việt Nam được hỏi đã khẳng định họ rất quan tâm đến hàng sản xuất trong nước, 63% người tiêu dùng khẳng định sẽ ưu tiên sử dụng hàng Việt, 54% người tiêu dùng khuyên người thân, bạn bè lựa chọn sử dụng hàng Việt khi mua sắm.

Đa số người tiêu dùng Việt Nam khi được hỏi đã cho rằng, chất lượng hàng hóa do các doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được nâng lên rất nhiều kể từ khi có cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các doanh nghiệp, nhà quản lý cũng đánh giá, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã thực sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam, đồng thời đã tạo động lực lớn cho các doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như vị thế cạnh tranh.

Với quan điểm tất cả vì người tiêu dùng Việt, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng tinh tế hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm thời trang, không đơn thuần chỉ chạy theo mốt như trước đây, dần loại bỏ tâm lý sính ngoại.

“Doanh nghiệp thiết kế các sản phẩm may mặc phục vụ người tiêu dùng theo xu hướng tinh tế hơn. Khi sản phẩm đã chinh phục được những khách hàng tinh tế trong nước sẽ không khó để làm hài lòng khách hàng tại thị trường nước ngoài”, bà Huyền tự hào cho biết.

Theo quan điểm của ông Đào Huy Giám, Tổng Thư ký Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam, đã đến lúc Việt Nam nên xây dựng chương trình kế hoạch phát triển hàng nội theo hướng chất lượng hàng hóa cao ngang bằng thậm chí cao hơn thị trường ngoại.

“Chúng ta chưa thể làm ở tất cả các mặt hàng nhưng có thể chọn lọc ở những nhóm hàng tiêu biểu, thế mạnh như thực phẩm, rau củ quả… làm sao một sản phẩm được người tiêu dùng Việt Nam chấp nhận là cơ sở để được người tiêu dùng thế giới chấp nhận”, ông Giám nói.

Bình luận của bạn