Để hàng Việt tiến sâu vào thị trường quốc tế

Tránh rủi ro từ chính sách bảo hộ của nhiều nước

Trong bối cảnh nhiều nhóm hàng XK chủ lực của nước ta phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe, cạnh tranh gay gắt, nhưng hoạt động XK của Việt Nam ngày càng có nhiều khởi sắc khi thị trường, cơ cấu hàng hóa XK tiếp tục được mở rộng, nhiều nhóm mặt hàng mới đã gia tăng được giá trị XK. Hiện nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ; có 59 quốc gia đối tác công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Việc Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào các Hiệp định thương mại tự do, mà sắp tới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ là "cú huých" quan trọng thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam với nhiều quốc gia. Kết thúc năm 2017, Việt Nam có 29 thị trường XK đạt kim ngạch hơn 1 tỷ USD và 4 thị trường đạt kim ngạch hơn 10 tỷ USD. Năm 2017, kim ngạch XK lần đầu vượt ngưỡng 200 tỷ USD, tăng 21,1% so với năm 2016, mức tăng cao nhất kể từ năm 2011.

 

Vải thiều Hưng Yên xuất khẩu được kiểm tra chất lượng tại Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội

Giảm lợi nhuận vì khâu trung gianTuy nhiên, những diễn biến chính trị khó lường, sự thay đổi liên tục về quan điểm và chính sách kinh tế tại nhiều quốc gia phát triển sẽ tạo nên những tác động bất lợi tới thị trường XK hàng hóa Việt Nam. Điều này đòi hỏi Chính phủ và các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp để ứng phó. Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định: Năm 2018, tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam đứng trước nhiều thách thức mới, dễ bị tác động bởi các yếu tố bên ngoài, như: Gia tăng các rào cản thương mại, hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu; xuất hiện xu hướng chống tự do hóa thương mại ở nhiều quốc gia... Các giải pháp trọng tâm được Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh là: Tập trung phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng có chất lượng cho XK; phát triển thị trường, mở cửa thị trường cho XK; kết nối chuỗi liên kết sản xuất-chế biến-XK. Trong đó, Bộ Công Thương xác định tập trung mạnh vào đổi mới, nâng cao hiệu quả cơ chế phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và hiệp hội DN để tạo sự kết nối, phối hợp đồng bộ hơn việc xử lý các vấn đề phát sinh trong thương mại quốc tế, như: Vượt qua các rào cản thương mại, kiểm dịch động thực vật, các vấn đề về chống trợ cấp, chống bán phá giá của nước ngoài đối với hàng hóa XK của Việt Nam. Cùng với đó, bộ cũng tập trung thay đổi một cách căn bản công tác xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường cho hàng hóa XK của Việt Nam.

Theo phản ảnh của một số DN, giao dịch thực hiện hoạt động XK của DN Việt Nam chủ yếu vẫn phải qua khâu trung gian. Cùng với việc DN không nắm bắt hết về các quy trình nhập khẩu, biểu thuế, nhu cầu, tiêu chuẩn hàng hóa của thị trường quốc tế, việc phải qua khâu trung gian dẫn đến không chỉ lợi nhuận bị cắt giảm, nhiều DN còn gặp rủi ro, gian lận thương mại.

Bà Lưu Kim Anh, Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty Nội thất Bắc Âu-đơn vị chuyên sản xuất và XK đồ gỗ nội thất sang thị trường Anh, Mỹ, Nhật Bản và một số thị trường châu Âu nêu rõ: Vì giao dịch qua trung gian nên DN mất rất nhiều thời gian để chờ sự hồi đáp từ phía khách hàng, khó trao đổi với khách hàng mẫu mã sản phẩm, giá cả, phương thức vận chuyển… Chính vì vậy, đại diện DN này mong muốn thời gian tới sẽ nhận được sự hỗ trợ của các tham tán thương mại (TTTM) để có thể kết nối trực tiếp với các DN tại những thị trường quốc tế.

Hiện Việt Nam có 57 Thương vụ và 7 chi nhánh Thương vụ tại nước ngoài. Năm 2016-2017, các Thương vụ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chủ động tìm hiểu thị trường sở tại và thông tin kịp thời để Việt Nam có những đối sách phù hợp; đồng thời hỗ trợ tốt cho các DN; đã hỗ trợ triển khai hơn 500 hoạt động xúc tiến thương mại được tổ chức theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Đáng chú ý, nhiều mặt hàng của Việt Nam đã XK sang được các thị trường có yêu cầu cao, ví dụ như: Tôm, xoài, thanh long vào Australia; gà qua chế biến, thanh long ruột đỏ, vú sữa vào Nhật Bản; xoài, vải, nhãn, chôm chôm vào Đài Loan (Trung Quốc); nhãn, vải sang Thái Lan…

Tuy nhiên thực tế cũng cho thấy, hiện nay TTTM chưa bao quát hết nhu cầu thị trường, quy định, chính sách thương mại, thị hiếu, văn hóa tiêu dùng của người dân bản địa nên gây ra nhiều hạn chế đối với giao thương hợp tác giữa DN Việt Nam với các DN nước ngoài. Đề cập đến vấn đề này, bà Nguyễn Hoàng Thúy, TTTM Việt Nam tại Australia thẳng thắn thừa nhận, hiện nay, các Thương vụ mới chủ yếu giải quyết được nhiệm vụ thu thập thông tin, nghiên cứu cơ chế chính sách thị trường, còn xúc tiến thương mại, đầu tư công nghiệp còn nhiều hạn chế. Tuy nhiên, bà Nguyễn Hoàng Thúy cho rằng, vấn đề nổi cộm hiện nay là nhân lực và vật lực dành cho các Thương vụ nói chung chưa đáp ứng được nhu cầu giao thương ngày càng tăng giữa các nước, do đó cần thay đổi cơ cấu tổ chức Thương vụ.

Để phát huy tốt hơn vai trò cầu nối giữa DN Việt Nam với thị trường nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh nêu rõ, nhiệm vụ đặt ra cho Thương vụ Việt Nam trong thời gian tới là tập trung toàn lực để thúc đẩy XK trên địa bàn được phân công phụ trách, theo hướng dành ưu tiên cao cho nông sản, thủy sản và những mặt hàng mà các DN 100% vốn Việt Nam đang sản xuất, kinh doanh. Các thương vụ cũng dành ưu tiên cao cho các phân khúc thị trường mà hàng Việt Nam chưa có chỗ đứng hoặc mới chiếm thị phần nhỏ, và đặc biệt lưu ý các thị trường mà Việt Nam đang bị thâm hụt thương mại lớn, kéo dài nhiều năm để đề xuất giải pháp phù hợp giúp tăng XK, kiểm soát hợp lý nhập khẩu, giảm dần, tiến tới cân bằng thương mại tại các thị trường này.

Bình luận của bạn