Để hàng Việt vào được kênh phân phối hiện đại
Tại sao nhiều mặt hàng sản xuất (SX) trong nước khó tiếp cận kênh phân phối hiện đại (hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích…), nhất là thị trường nước ngoài? Câu hỏi này được nhiều doanh nghiệp (DN), nhà sản xuất và đại diện các kênh phân phối lớn giải đáp trong buổi gặp gỡ doanh nhân, DN đầu năm mới 2018 tại TP Hồ Chí Minh.
Khó tiếp cận, vì sao?
Bà Lê Thị Ngãi, Giám đốc DN tư nhân mua bán nông sản Thuận Phát Lộc (Đồng Nai) nêu lên những quy định ngặt nghèo như: Mẫu mã, xuất xứ, chứng nhận an toàn sản phẩm… khiến DN của bà nhiều năm nay không thể đưa hàng hóa vào các hệ thống siêu thị của Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP Hồ Chí Minh (Saigon Co.op). Trong đó, các mặt hàng như: Gạo, măng, mộc nhĩ... đều được bà thu mua tận nơi sản xuất do các hộ gia đình cung cấp nên tiêu chuẩn mẫu mã, chứng nhận an toàn khó đáp ứng. Đây cũng là vướng mắc của nhiều DN tư nhân buôn bán nhỏ lẻ. Lý giải vấn đề này, bà Nguyễn Ngọc Diệp, đại diện bộ phận tiếp thị của Saigon Co.op chia sẻ: "Hiện tại, 90% hàng hóa trong hệ thống siêu thị Co.opmart là hàng Việt, nhưng các nhà phân phối những mặt hàng này đều phải tham gia chuỗi an toàn từ trang trại đến bàn ăn và được kiểm soát chặt chẽ, truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Vì vậy, hàng hóa của hộ sản xuất nhỏ lẻ hoặc DN tư nhân quy mô nhỏ khó tiếp cận nhập hàng vì không bảo đảm độ tin cậy, chưa đáp ứng yêu cầu cần thiết của hệ thống phân phối hiện đại và chất lượng hàng hóa thấp do bảo quản không đạt chuẩn…".
Không chỉ hạn chế về chất lượng và quy trình SX an toàn, một số mặt hàng nội địa SX ra chưa phù hợp với nhu cầu và thị hiếu người tiêu dùng. Theo ông Hồ Quốc Huy, đại diện hệ thống siêu thị BigC, các DN muốn cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại nhưng chưa hiểu về khách hàng và chưa xác định được các sản phẩm phù hợp với hệ thống phân phối mà mình muốn tham gia. Cho nên, điều cần thiết là phải tìm hiểu kỹ những tiêu chí của kênh phân phối. Với BigC, sản phẩm nhập vào phải có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng tốt, có chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP… BigC luôn tuân thủ 4 nguyên tắc: Trách nhiệm với cộng đồng, tuân thủ pháp luật, tôn trọng khách hàng và cân đối hài hòa lợi ích. Do vậy, đối tác của BigC nhất định phải hiểu rõ các nguyên tắc để có thể hợp tác cung cấp hàng hóa cho hệ thống siêu thị BigC. Thế nhưng trên thực tế, không nhiều DN đáp ứng được yêu cầu của BigC.
Cần chất lượng và sự độc đáo
Làm thế nào để dễ dàng đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt giữa các mặt hàng cùng chủng loại? Theo phân tích của nhiều chuyên gia, có 3 điểm cơ bản mà các DN cần đáp ứng. Trước tiên và quan trọng nhất là hàng hóa phải bảo đảm chất lượng ổn định. Để thực hiện điều này, các DN phải đầu tư công nghệ để nâng cao năng suất lao động. Tiếp đó, DN phải bảo đảm được các điều kiện cung ứng. Cuối cùng là hàng hóa muốn vào siêu thị phải phù hợp với thị hiếu và xu hướng tiêu dùng. Cùng một mặt hàng, cùng chất lượng nhưng sản phẩm có tính độc đáo sẽ luôn được ưu tiên. Minh chứng cho những nhận định trên, ông Ngô Đức Sinh, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Nông lâm sản Kim Bôi (Hòa Bình) chia sẻ: “Sản phẩm măng các loại của công ty chúng tôi đã có mặt ở hầu hết các hệ thống siêu thị khu vực châu Á. Để có được thành công đó, chúng tôi phải chứng minh chất lượng hàng hóa cả về hồ sơ, chứng nhận lẫn sự tín nhiệm của người tiêu dùng. Tôi cho rằng, DN, nhà SX cần tăng cường xúc tiến thương mại và hợp tác quảng bá sản phẩm, đầu tư chuyên sâu để có thương hiệu độc quyền”.
Gần đây, hệ thống phân phối đã nỗ lực giúp DN cải thiện năng lực SX, kinh doanh để có thể tận dụng lợi thế khai thác nguồn nguyên liệu tại chỗ nhằm giảm chi phí, nâng chất lượng và cải tiến mẫu mã. Song, tiêu chí hàng đầu về chất lượng luôn được các kênh phân phối hiện đại yêu cầu nghiêm ngặt. Theo bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, chủ hệ thống siêu thị Citimart, để đưa sản phẩm, nhất là hàng Việt vào hệ thống siêu thị, các DN nhỏ và vừa cần đáp ứng nhanh một phân khúc khách hàng nhất định. Nghĩa là chỉ nên theo đuổi một mặt hàng để đủ khả năng đầu tư cải tiến chất lượng, mẫu mã thực sự độc đáo, khác biệt, gây ấn tượng ngay từ khi chào hàng. Ông Nguyễn Minh Tâm, Giám đốc thu mua thuộc hệ thống siêu thị Lotte Mart, cho biết: "Chúng tôi luôn tạo thuận lợi cho các nhà SX và DN chào hàng, thậm chí còn hạ mức chiết khấu với các sản phẩm chất lượng cao, hình thức đẹp. Chẳng hạn, dòng sản phẩm nước trái cây thiên nhiên Đà Lạt mang thương hiệu Cam Tiên có bao bì đẹp mắt, độc đáo, chất lượng sản phẩm đạt chuẩn, lại phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng nên chúng tôi chủ động hợp tác phát triển sản phẩm này tại Lotte Mart. Từ thực tế kinh doanh, chúng tôi khuyên nhà SX và DN thực hiện phương châm “Chất lượng cho tôi, thành công cho anh”. Muốn vậy, phải tập trung vào chất lượng kết hợp với mẫu mã để hình thành bản sắc riêng, sẽ thuận lợi khi tiếp cận kênh phân phối hiện đại".