Để người Việt thích dùng hàng Việt
Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã được triển khai hơn 8 năm và thu được rất nhiều hiệu quả tích cực. Nhưng chúng ta hãy bắt đầu nhìn nhận cuộc vận động từ slogan của nó: “Ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đó là một gợi ý, một đề xuất còn khá khiêm tốn. Và rõ ràng, khi kêu gọi người tiêu dùng “ưu tiên” thì đó là một lời kêu gọi tình cảm, hướng đến tinh thần dân tộc hơn là hướng đến chính “hàng Việt Nam” như một đối tượng thu hút tự thân.
Bắt đầu từ tinh thần dân tộc, từ lòng yêu nước, nhưng muốn cuộc vận động đi tới thành công thì những yếu tố thuần túy tinh thần ấy vẫn chưa đủ. Người tiêu dùng là một tập hợp người dân với rất nhiều sở thích, nhu cầu, sự chọn lựa khác nhau. Khi họ chọn mua một món hàng nào đó thì cái đầu tiên họ quan tâm là món hàng ấy có “vừa túi tiền” và có “vừa lòng”, “vừa mắt” họ hay không?
Hàng hóa chỉ vừa lòng người tiêu dùng khi nó thực sự có chất lượng. Hơn 8 năm nay, sở dĩ hàng Việt Nam được người tiêu dùng trong nước chọn mua, trước hết vì nó có chất lượng so với chính nó trước đây và so với mặt hàng của quốc gia khác cùng chủng loại. Nhiều năm nay, đối tượng cạnh tranh trực tiếp của hàng Việt chính là hàng Trung Quốc giá rẻ. Phải nói thẳng, không có bất cứ hàng hóa nào vừa “tốt” lại vừa “rẻ” cả.
Hàng Trung Quốc đưa sang Việt Nam giá cực rẻ, mẫu mã khá bắt mắt nhưng không phải là hàng tốt, nếu xét về chất lượng. Lâu nay, sở dĩ người tiêu dùng Việt chọn mua hàng Trung Quốc không phải bởi hàng ấy có chất lượng cao. Họ mua chỉ vì nó giá rẻ và trông cũng vừa mắt. Vì thế, hàng Việt Nam không thể cạnh tranh dựa cả vào 2 tiêu chí: vừa tốt lại vừa rẻ. Trong khi khái niệm “tốt” bao gồm cả chất lượng và mẫu mã.
Những nhà sản xuất đều mong muốn làm sao cho ra được những mặt hàng vừa tốt, giá thành lại thấp nhất có thể và bán với giá hợp lý nhất. Đó là một cuộc cạnh tranh giống như cuộc thi chạy marathon, chứ không phải chạy cự ly ngắn. Chất lượng tăng có thể cần một thời gian ngắn, nhưng giá thành và giá bán giảm thì cần cả một lộ trình. Phải sẵn sàng thay đổi, tái cấu trúc trong tất cả các khâu để giá thành có thể giảm và giá bán sản phẩm cũng giảm theo, trong khi chất lượng lại phải nâng cao để cạnh tranh. Cuộc cạnh tranh về chất lượng mới là cuộc cạnh tranh quan trọng nhất. Dĩ nhiên, việc tăng chất lượng luôn luôn đi kèm với cải tiến mẫu mã. Hình thức và nội dung phải luôn đi với nhau, nếu muốn hàng Việt đến với người tiêu dùng, bất kể là người tiêu dùng trong nước hay ngoài nước.
Việt Nam hiện có hơn 90 triệu dân và được coi là thị trường thực sự lớn. Một khi chất lượng đời sống của hơn 90 triệu người dân được nâng cao dần lên thì nhu cầu tiêu dùng của họ cũng tăng lên. Từ việc chọn mua hàng giá rẻ của Trung Quốc, họ sẽ chọn mua hàng nội địa có chất lượng cao hơn, mẫu mã cũng bắt mắt, mà giá cả thì hợp lý. Luôn luôn sẽ tồn tại một phân khúc hàng giá rẻ, nhưng phân khúc hàng chất lượng cao sẽ dần có tiếng nói mạnh mẽ hơn. Đồng thời cũng xuất hiện trên thị trường phân khúc hàng Việt “xịn”, có thể cạnh tranh sòng phẳng với hàng ngoại “xịn”. Đó là sự phát triển tất yếu ở một quốc gia đang phát triển, ở một thị trường đang phát triển và có nhu cầu đáp ứng với chất lượng ngày càng cao hơn.
Vậy thì nay đã đến lúc, slogan “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” có thể chuyển đổi thành “Người Việt thích dùng hàng Việt”. Chữ “thích” này phù hợp với kinh tế thị trường và cũng thỏa mãn nhu cầu tình cảm của người tiêu dùng Việt vốn rất có cảm tình với hàng hóa Việt. Nhưng từ “ưu tiên” tới “thích” là cả một quá trình, trong đó, nhà sản xuất phải tự vượt lên chính mình, phải hòa nhập với thế giới và phải tìm được sự tự tin vào hàng hóa mình sản xuất, trước khi tạo được niềm tin cho người tiêu dùng.
Bản thân tôi không phải người sùng ngoại, nhưng cũng phải sau nhiều năm, khi tự nhận thấy hàng hóa Việt có chất lượng và có thẩm mỹ hẳn hoi thì mới nghiêng hẳn về quyết định mua và dùng hàng Việt. Cho nên, với người tiêu dùng Việt, việc quyết định mua và dùng hàng Việt cũng không hề là cuộc chạy cự ly ngắn, trong một thời gian ngắn.