Dệt may chờ “cất cánh”

Việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội rất lớn cho ngành dệt may Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) vừa kết thúc quá trình đàm phán, mở ra cơ hội rất lớn cho hàng dệt may xuất khẩu vào 29 thị trường khối EU. Ông Ngô Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hội Dệt may TP. Hồ Chí Minh kiêm Tổng gám đốc Công ty CP May Sài Gòn 2 cho rằng, nếu FTA với Hàn Quốc không phải sở trường của ngành dệt may, FTA với Liên minh Kinh tế Á - Âu còn nhiều vấn đề và tương đối phức tạp thì FTA với EU sẽ mở ra cơ hội thuận lợi hơn rất nhiều.

alt

Thời cơ vàng

Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt hơn 24 tỷ USD và mục tiêu năm nay khoảng 27-27,5 tỷ USD. Theo Bộ Công Thương, trong 7 tháng đầu năm 2015, xuất khẩu dệt may tiếp tục tăng trưởng khả quan với kim ngạch 12,56 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Việc Việt Nam tham gia hàng loạt FTA với EU, Hàn Quốc, Liên minh Kinh tế Á - Âu và nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang vào giai đoạn cuối, thuế suất giảm dần về 0% sẽ đem lại lợi thế và cơ hội gia tăng kim ngạch xuất khẩu rất lớn cho ngành dệt may.

Theo Bộ Công Thương, cam kết chính trong lĩnh vực thương mại hàng hóa giữa Việt Nam và EU là ngay khi FTA có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương hơn 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này. Đối với ngành dệt may, EU sẽ xóa bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu cho các sản phẩm của Việt Nam trong vòng 7 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực.

Ông Lê Văn Kiệt, đại diện Tổng công ty CP Phong Phú, cho rằng việc mở cửa nền kinh tế sâu rộng sẽ tạo ra những cơ hội mới cho xuất khẩu. Với TPP, Việt Nam sẽ trở thành thành viên của chuỗi giá trị toàn cầu; còn các FTA giúp ngành dệt may trong nước cân bằng thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc quá lớn vào một thị trường nhất định và bản thân doanh nghiệp (DN) cũng có lợi thế trung hạn so với các đối thủ trong khu vực khi đưa hàng vào EU hay Mỹ...

“Việc phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ sẽ giúp DN điều chỉnh lại hoạt động của mình. Mỗi DN sẽ phải tự xây dựng chuỗi cung ứng riêng hoặc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu để gia tăng giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Dòng vốn đầu tư nước ngoài cũng sẽ đổ về Việt Nam nhiều hơn” - ông Kiệt nhận xét.

Lợi thế cho doanh nghiệp ngoại?

Tuy vậy, trong bức tranh sáng sủa cho ngành dệt may Việt Nam, nhìn một góc khác, đang có làn sóng đầu tư mạnh mẽ của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào nước ta để tận dụng ưu đãi về thuế từ các FTA.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, số lượng nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào ngành dệt may không ngừng gia tăng nhằm đón đầu các FTA. Xu hướng này đã bắt đầu 2-3 năm nay và càng mạnh mẽ hơn do sức nóng từ TPP. Theo tính toán của ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP May Garmex Sài Gòn, trong 24 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may năm ngoái, có đến 87,5% đến từ ngành may và 60% của số này thuộc về khối FDI. Với các DN trong nước, có đến 85% làm gia công nên thực tế giá trị kim ngạch thu về thật sự cho đất nước không nhiều.

“Riêng TP. Hồ Chí Minh, dù dệt may xuất khẩu năm ngoái đạt 5,15 tỷ USD nhưng tôi tính toán DN trong nước chỉ thu về hơn 300 triệu USD - con số quá khiêm tốn nên cần thiết phải chuyển sang làm FOB để có giá trị gia tăng nhiều hơn” - ông Hùng nhìn nhận.

Trong làn sóng vốn ngoại đổ vào dệt may, không ít người cảm giác các DN FDI rất hồ hởi và chuẩn bị kỹ lưỡng, còn DN trong nước lại “bình chân như vại”. Thực tế, DN FDI vốn rất chuyên nghiệp và mạnh về vốn, thông thạo thị trường, trong khi DN nội địa lâu nay làm ăn nhỏ lẻ nên đứng trước cơ hội lớn như vậy bị nước ngoài lấn át cũng là dễ hiểu.

“Dù không phân biệt DN FDI hay trong nước bởi nhìn ở góc độ thị trường thì cạnh tranh là hiển nhiên nhưng sẽ có một “trận chiến” giành giật thị trường, cạnh tranh về giá khi DN FDI có quá nhiều lợi thế và được hỗ trợ từ công ty mẹ ở nước ngoài” - ông Ngô Trung Kiên nhận xét.

Một nỗi lo được các DN trong nước đề cập nhiều khi nói về cạnh tranh với DN FDI chính là người lao động. Bởi lẽ, DN nào có chế độ tốt, lương cao và công việc thường xuyên sẽ thu hút người lao động - đây vốn là lợi thế của DN FDI. Trong khi đó, hàng dệt may xuất khẩu thường có tính mùa vụ, một năm có thể vài tháng không có đơn hàng hoặc đơn hàng ít. Do đó, DN nào giải được bài toán có đơn hàng thường xuyên, đều đặn sẽ có lợi thế trong cuộc đua này.

Theo báo Người lao động

Bình luận của bạn