Đi tìm chân dung người tiêu dùng Việt

Một số hãng phân tích quảng cáo quốc tế còn đi xa hơn khi nhận định, một số thương hiệu toàn cầu đã coi thị trường Việt Nam như một “căn cứ địa” để từ đó chinh phục các thị trường khác ở Đông Nam Á.

alt

Trong bối cảnh đó, việc nhìn nhận đánh giá chân dung của người tiêu dùng Việt- nhân vật chính của thị trường bán lẻ luôn là mối quan tâm cần được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng theo nhiều chuyên gia, dường như nó vẫn chưa được các doanh nghiệp Việt Nam quan tâm thỏa đáng.

Mới đây, ông Saby Mishra - CEO của Công ty Quảng cáo quốc tế J.Walter Thompson tại Việt Nam - đã có những tổng kết rất đáng chú ý. Theo đó, thói quen và tính cách của người tiêu dùng Việt Nam thay đổi đặc biệt mạnh mẽ trong vòng 4 - 5 năm trở lại đây. Thay đổi đầu tiên là những thận trọng đáng kể trong chi tiêu. Hệ quả của hành vi này buộc các hãng tên tuổi cả trong và ngoài nước phải gia cố tích cực hơn chiến lược sở hữu tiêu dùng.

Một thay đổi khác là không giống như đánh giá của nhiều chuyên gia trong nước, người tiêu dùng nông thôn vẫn có xu hướng mua bán tương đối cao khi họ chiếm đến 70% cơ cấu thị trường tiêu dùng. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp trong nước hoàn toàn có thể tin tưởng vào dư địa tiêu thụ nếu như họ tập trung cho các chương trình dài hạn hơn, thay vì “chóng vánh” như hiện nay.

Thói quen tiêu dùng của người Việt hiện cũng thay đổi mạnh mẽ. Theo ông Saby Mishra, thực ra không phải có 1 mà có đến 4 “người” tiêu dùng Việt Nam ở các vùng châu thổ sông Hồng, miền Trung, TP. Hồ Chí Minh và vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đây cũng là một thách thức với cả các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Điều được nhiều chuyên gia phân tích công nhận là sự nổi trội vững vàng của các thương hiệu đến từ Nhật Bản trong mắt người tiêu dùng Việt, vốn được xem là an toàn, chất lượng và sẵn sàng được trả giá cao hơn nhiều thương hiệu phương Tây khác.

Một số chuyên gia nhận xét, những phác thảo mới về chân dung người tiêu dùng Việt Nam cho thấy, nếu như trước đây ở Việt Nam các doanh nghiệp vốn hành xử theo thói quen lo cung cấp đủ hàng thì từ nay điều đó sẽ không còn đúng nữa.

Nguồn: Báo Công thương

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Bình luận của bạn