Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam”

Xây dựng mô hình thí điểm về điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” là dự án được Sở Công Thương triển khai thực hiện từ tháng 5-2016. Dự án hướng đến mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng hàng Việt Nam thông qua tập trung nguồn lực đẩy mạnh nhóm các hoạt động phát triển thị trường.

Mô hình thí điểm thuộc Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020. Theo ông Cao Thiên Thọ - Trưởng Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương, kết quả dự án góp phần hoàn thành mục tiêu đặt ra của đề án. Phấn đấu đến cuối năm 2016, toàn tỉnh có trên 90% người tiêu dùng trung thành với hàng Việt; thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh tại các kênh phân phối truyền thống, ở khu vực nông thôn trên 85%.

Dự án gồm các bước: tiến hành khảo sát, chọn địa điểm, chọn hộ, chủng loại hàng hóa; tổ chức hội thảo phổ biến về điểm bán hàng Việt; tổ chức hội nghị kết nối giao thương giữa các đơn vị tham gia; tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm cho cán bộ quản lý và hộ kinh doanh về bán hàng Việt; hỗ trợ tuyên truyền quảng bá về điểm bán hàng Việt trên các phương tiện truyền thông; hỗ trợ trang thiết bị tại điểm bán hàng Việt; tập huấn “kỹ năng bán hàng và văn hóa kinh doanh” cho các hộ tiểu thương; tổng kết nghiệm thu, hội thảo nhân rộng mô hình.

Cũng theo ông Cao Thiên Thọ, mục tiêu ban đầu của dự án là xây dựng 9 điểm bán hàng Việt, sau đó rút kinh nghiệm nhân rộng trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, qua quá trình thực hiện, các huyện, thành phố bước đầu chọn ra 3 điểm để xây dựng. Đối tượng được chọn là cơ sở, doanh nghiệp (DN) kinh doanh, thương mại như: cơ sở kinh doanh Hai Sơn (Phường 8, TP. Bến Tre); DN tư nhân Tuyết Phụng (thị trấn Mỏ Cày - Mỏ Cày Nam); cơ sở Ngọc Thúy (thị trấn Ba Tri). 

Bà Trần Thị Nhanh - chủ cơ sở kinh doanh thương mại Hai Sơn tự hào rằng, cơ sở đã hoạt động trên 30 năm nhưng chủ yếu là kinh doanh hàng hóa có xuất xứ, sản xuất tại Việt Nam. Các mặt hàng chủ lực là thực phẩm (sữa, bánh, kẹo các loại), tạp hóa, bia, nước giải khát. Để đảm bảo hàng hóa chất lượng, cơ sở luôn chủ trương nhận hàng có nhãn mác, thương hiệu và đúng tuyến để đảm bảo không xảy ra trường hợp có hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Vì thế, khi có chương trình xây dựng mô hình điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” là cơ sở đồng ý ngay. “Đây là chủ trương đúng đắn, chúng tôi rất đồng tình” - bà Nhanh khẳng định.

Ở góc độ người mua bán lâu năm, bà Trần Thị Nhanh cho biết thêm, khi Việt Nam gia nhập thị trường quốc tế, các DN trong nước buộc phải nâng cao năng lực cạnh tranh hàng hóa bằng cách cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá cả hợp lý. Thực tế, thời gian gần đây, các loại sản phẩm sữa, bánh, kẹo, nước giải khát… của các doanh nghiệp có nhiều thay đổi, tiến bộ hơn hẳn so với trước đây.

Nói thêm về hiệu quả của dự án, ông Cao Thiên Thọ cho biết, dự án mang tính chất lâu dài, có tác động giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn khả năng sản xuất, kinh doanh của DN Việt Nam, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam. Ngoài ra, dự án giúp các DN có điều kiện phát triển hệ thống phân phối để đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng, nhất là ở vùng nông thôn trong tỉnh để nâng cao sức mua, bình ổn thị trường. Mặt khác, dự án góp phần tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm Việt, sản phẩm của người nông dân sản xuất.

Bình luận của bạn