Định vị giá trị và hình ảnh cho sản phẩm gạo Việt Nam
Từ ngày 18 đến 24-12-2018, Festival Lúa gạo Việt Nam lần 3 sẽ diễn ra tại tỉnh Long An. Một trong những nội dung quan trọng của Fesival là cung cấp các giải pháp xúc tiến thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, hỗ trợ các doanh nghiệp và nông dân hoạt động hiệu quả, từ đó giúp ngành hàng lúa gạo Việt Nam tăng sức cạnh tranh trên thương trường. Đặc biệt, tại lễ khai mạc Fastival, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lần đầu tiên công bố chính thức Logo thương hiệu gạo Việt Nam, nhằm định vị giá trị và hình ảnh cho sản phẩm gạo Việt Nam.
Nước xuất khẩu gạo lớn thứ 3 trên thế giới
Sản xuất lúa gạo là một trong những ngành trọng điểm của nông nghiệp Việt Nam, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao vị thế của Việt Nam trên thế giới.
Trong nhiều năm qua, gạo luôn là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 5,79 triệu tấn, ứng với giá trị 2,62 tỷ USD, tăng 20,4% về lượng và 21,2% về giá so với năm 2016. Ước tính xuất khẩu gạo trong 11 tháng năm 2018 đạt 5,7 triệu tấn, giá trị 2,9 tỷ USD, tăng 5,6% về khối lượng và 17,7% về giá trị.Đặc biệt, theo thống kê từ Bộ Công Thương, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Hiện nay, gạo Việt Nam đã có mặt tại gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với đa dạng sản phẩm, như: gạo hạt dài, hạt ngắn, gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản, gạo hữu cơ, gạo đồ... Không những thế, hạt gạo Việt Nam cũng đã bước đầu thâm nhập được các thị trường yêu cầu chất lượng cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông (Trung Quốc), Hoa Kỳ, EU và liên tiếp duy trì vị trí nước xuất khẩu lớn thứ 3 thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan.
Đặc biệt, những tiến bộ trong sản xuất và cơ cấu giống, mùa vụ cùng với những biện pháp canh tác thích hợp đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngoài nhóm giống cải tiến, năng suất cao đóng vai trò then chốt đã góp phần quan trọng trong tăng chất lượng và giá trị gạo xuất khẩu của Việt Nam, như: OM 4900, OM 6162, OM 6677, OM 6561, OM 6976… những giống lúa thơm chất lượng cao nhằm phục vụ các phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn, như các giống Jasmine 85, Nàng Hoa, ST 5, ST 20, OM 4900. Nhờ đó, tỷ trọng xuất khẩu các loại gạo có giá trị cao (gạo trắng chất lượng cao, gạo thơm…) tăng dần và giảm dần tỷ trọng các loại gạo chất lượng trung bình và thấp.
Nâng cao sức cạnh tranh cho hạt gạo Việt
Mặc dù xếp thứ hạng cao nhưng xuất khẩu gạo Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, ngành gạo còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu chưa cao, chủng loại chưa phong phú nên tính cạnh tranh còn thấp so với các nước đối thủ. Trong khi đó, thương mại toàn cầu đang tiềm ẩn những biến động khó lường, gạo lại là mặt hàng nhạy cảm, được nhiều nước chú trọng áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm và về bảo vệ môi trường rất cao.
Thêm vào đó, năng lực tiếp cận, thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gạo chưa cao, hoạt động marketing, khả năng đàm phán ký kết thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp còn yếu. Vì vậy, các sản phẩm thương hiệu gạo Việt Nam vẫn chưa được người tiêu dùng cuối cùng tại các thị trường nhập khẩu biết đến; phần lớn đến tay người tiêu dùng thông qua một thương hiệu khác…
Thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã tổ chức một số sự kiện, hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm gạo của Việt Nam đồng thời bàn giải pháp để nâng cao sức cạnh tranh cho gạo Việt.
Gần đây nhất là Hội nghị gạo thế giới lần thứ 10 ( từ ngày 10 đến 12-10-2018), đã bàn về giải pháp để phát triển ngành gạo và tăng trưởng bền vững xuất khẩu gạo. Tại Hội nghị các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng nhất là doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng thay vì chạy theo số lượng như thời gian vừa qua. Trong đó, giải pháp quan trọng được đề cập đến là đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Bên cạnh đó, cần hướng tới việc sản xuất gạo theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói...
Đặc biệt, cần xây dựng chỉ dẫn địa lý để tăng thêm giá trị cho hạt gạo của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Cùng với đó, đa dạng hóa thị trường để giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định; khai thác cơ hội, lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên…
Hướng tới mục tiêu xuất khẩu gạo bền vững, vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ ngày 1-10-2018), tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường, qua đó góp phần thúc đẩy và nâng cao kim ngạch cho xuất khẩu gạo Việt Nam. Ngoài ra, Đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo, Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo cũng góp phần thúc đẩy tăng cường liên kết gắn sản xuất với thị trường theo chuỗi giá trị, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu, xây dựng và khẳng định uy tín và thương hiệu gạo Việt Nam. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai xúc tiến thương mại, bao gồm cả tìm kiếm thị trường, tìm kiếm thông tin phục vụ cho hoạt động xuất khẩu gạo.