Đổi mới công nghệ giúp lúa gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế
Trong ngành Nông nghiệp, đổi mới công nghệ đã đóng góp đến 35% tăng trưởng trong thời gian qua khi các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng khác là lực lượng lao động và quỹ đất ngày một giảm đi. Đặc biệt trong sản xuất lúa gạo, việc ứng dụng và đổi mới công nghệ đã đưa sản xuất lúa gạo Việt Nam đứng trong top 3 các nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Với việc xây dựng và hoàn thiện bản đồ công nghệ, kỳ vọng ngành lúa gạo Việt Nam tiếp tục khẳng định được vị thế trong tương lai.
HOÀN THIỆN BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ NGÀNH LÚA GẠO
Tại hội thảo “Báo cáo kết quả xây dựng bản đồ công nghệ, lộ trình công nghệ và đổi mới công nghệ áp dụng cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam” mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH-CN Trần Văn Tùng khẳng định: Bản đồ công nghệ được xây dựng với mục đích cho thấy hiện trạng công nghệ ở Việt Nam gắn liền với thị trường và sản phẩm. Bản đồ công nghệ sẽ chỉ ra Việt Nam đang sở hữu những công nghệ nào và ở đâu. Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, cạnh tranh ngày càng cao cùng với biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, ngành Nông nghiệp nói chung và sản xuất lúa gạo nói riêng cần có những chiến lược đổi mới và phát triển công nghệ phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi hàng hóa từ chiều rộng sang chiều sâu, hướng tới nền nông nghiệp sản xuất theo chuỗi hàng hóa, có giá trị gia tăng cao. Vì vậy, bản đồ công nghệ cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo Việt Nam sẽ cho biết công nghệ tạo giống lúa đang ở viện nào, nơi nào có thế mạnh nhất, những doanh nghiệp nào đang ứng dụng để phân bổ nguồn lực hợp lý để ngành lúa gạo phát triển bền vững.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng vàPhát triển công nghệ, Bộ KH-CN, cho biết: Bản đồ công nghệ là bộ tư liệu thể hiện rõ hiện trạng công nghệ Việt Nam gắn với thị trường và sản phẩm. Do đó, trên cơ sở bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ đã được xây dựng có sức thuyết phục và tính khả thi cao trong việc trả lời các câu hỏi như: “Cần tập trung phát triển sản phẩm nào, phân khúc thị trường nào trong tương lai?”, “trong thị trường đó cần tập trung phát triển sản phẩm gì với đặc tính kỹ thuật như thế nào?”, “cần phát triển những công nghệ gì để sản xuất ra sản phẩm đó?”. Đặc biệt, trong điều kiện nguồn lực hạn chế, cần tập trung triển khai những hoạt động cụ thể nào trong các nhiệm vụ như nghiên cứu các cấp, chuyển giao công nghệ hay đầu tư, mua bán sáp nhập…
Bản đồ công nghệ ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo cũng chỉ ra, Việt Nam có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu giống lúa thuần, còn với giống lúa lai chỉ đáp ứng được 33%, còn lại phải nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ với giá trị nhập khẩu xấp xỉ 35 triệu USD. Trong đó tỉ trọng xuất khẩu các giống lúa chất lượng cao còn thấp, chưa có giống xuất khẩu mang thương hiệu Việt Nam. Vì vậy, bản đồ công nghệ sẽ kỳ vọng ngành lúa gạo Việt tiếp tục phát triển theo đúng định hướng và khẳng định được vị thế trong tương lai.
HƯỚNG ĐẾN XÂY DỰNG BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ CÁC NGÀNH
Ông Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng chính sách khoa học và công nghệ quốc gia, nhấn mạnh: Việc xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành chọn tạo giống lúa, sản xuất lúa gạo tại Việt Nam đã đánh giá một cách khách quan và toàn diện hiện trạng năng lực công nghệ, sản xuất trong ngành, với bản đồ này, Việt Nam xác định được thời gian tới sẽ sản xuất sản phẩm nào nhờ công nghệ gì và xác định được năng lực cạnh tranh, từ đó nâng cao vị thế ngành lúa gạo Việt trên trường quốc tế. Cũng từ thực tế xây dựng bản đồ công nghệ cho ngành chọn tạo giống, sản xuất lúa gạo, Bộ KH-CN tiếp tục hướng đến hoàn thiện bản đồ công nghệ các ngành khác để tăng năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt như: Năm 2016 sẽ hoàn thành bản đồ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất vắc-xin, đến năm 2017-2018 là bản đồ lĩnh vực công nghệ gene; tế bào gốc; ngành sản xuất vật liệu và linh kiện điện tử, bán dẫn… Đến năm 2020, Việt Nam sẽ cơ bản hình thành hệ thống bản đồ công nghệ các ngành, lĩnh vực sản xuất quan trọng của đất nước, góp phần đảm bảo đúng định hướng thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững.
Cũng theo ông Tạ Việt Dũng, mối liên quan giữa công nghệ, sản phẩm và thị trường không thể tách rời, chính vì vậy mà một công nghệ được sử dụng sẽ cho biết là có thể sản xuất ra những sản phẩm nào và sản phẩm đó chiếm lĩnh được thị trường nào trong rất nhiều phân khúc khác nhau. Điều này cho thấy, việc xây dựng bản đồ công nghệ cho các ngành kinh tế chủ lực của Việt Nam là cần thiết, bản đồ công nghệ cũng cung cấp nhiều thông tin liên quan đến thị trường, liên quan công nghệ và liên quan đến sản phẩm, đánh giá được năng lực công nghệ trong các ngành, lĩnh vực sản xuất cụ thể. Đồng thời việc xây dựng bản đồ công nghệ từng ngành cũng hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ và thực hiện hoạt động đầu tư nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ một cách rõ ràng, hiệu quả.