Dù bị chơi xấu, cá tra Việt Nam vẫn "xuất đẹp" ở EU
Sau thông tin một số nhà bán lẻ ở Châu Âu ngừng bán cá tra Việt Nam, nhiều tổ chức trong và ngoài nước đã lên tiếng bảo vệ hình ảnh cá tra, đồng thời khẳng định, cá tra VN đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu của thị trường EU.
Gần đây, hình ảnh cá tra Việt Nam đã bị bôi xấu ở Tây Ban Nha, khiến một số tập đoàn tuyên bố ngưng phân phối sản phẩm này của VN tại EU.
“Bôi nhọ” hình ảnh để cạnh tranh
Mới đây, thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, Hội đồng Quản lý Nuôi trồng thủy sản (ASC) đã có thông cáo báo chí phản biện thông tin khi một vài nhà bán lẻ ở Châu Âu đã quyết định ngừng bán cá tra Việt Nam.
Cơ quan này cho biết khi nuôi cá tra theo tiêu chuẩn ASC như tại Việt Nam, người mua và người tiêu dùng có thể tin tưởng khi ăn loại cá này. Tất cả chứng nhận thủy sản ASC tuân thủ hướng dẫn nghiêm ngặt để đảm bảo giảm thiểu tác động môi trường tiêu cực của nuôi trồng thủy sản.
Thông cáo này của ASC được đưa ra sau động thái tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam của Tập đoàn Carrefour (châu Âu) mới đây. Theo đó, Carrefour tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam tại thị trường Tây Ban Nha, Ý, Pháp và một số nước họ có chi nhánh.
Trao đổi với báo chí về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP cho biết, nguyên nhân tập đoàn bán lẻ lớn nhất châu Âu này quyết định ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam là do một kênh truyền hình tại Tây Ban Nha mới đây đăng clip thông tin không đúng sự thật về ngành cá tra Việt Nam.
Cụ thể, đài truyền hình Cuatro TV tại thành phố Madrid, Tây Ban Nha đã phát sóng thông tin không chính xác và bôi nhọ hình ảnh cá tra Việt Nam được nuôi trên sông Mekong.
Theo đoạn phim này, cá tra được nuôi trên những lồng bè không sạch, thức ăn không được chế biến theo quy chuẩn công nghiệp mà từ cá chết và các loại phế phẩm khác… và quy kết rằng đó là lý do giá cá tra thấp như hiện nay. Khoảng 5 ngày sau đó, cơ quan truyền thông này lại tiếp tục đưa thông tin sai lệch cụ thể hơn về sản xuất cá tra Việt Nam.
Đại diện VASEP đã khẳng định, đây là những hình ảnh được một nhóm người cố tình phát tán nhằm làm xấu đi hình ảnh của cá tra Việt Nam tại thị trường này. Nó không phải là hình ản đại diện cho ngành cá tra Việt Nam và không phải là quy trình chuẩn của ngành cá tra xuất khẩu Việt Nam, mà chỉ là một hiện tượng nhưng đã bị thổi phồng. Nhằm mục đích bảo hộ mậu dịch, cạnh tranh không lành mạnh.
Không chỉ riêng ở Tây Ban Nha, trước đây những hình ảnh nhằm “bôi nhọ” sản phẩm cá tra Việt Nam đã từng xuất hiện ở gần 10 quốc gia như Australia, Italia, Đức, Pháp…
Xuất khẩu vào EU không bị ảnh hưởng
VASEP cũng cho biết, cá tra Việt Nam vào EU vẫn đảm bảo được các tiêu chuẩn an toàn theo yêu cầu của thị trường này, việc xuất khẩu vẫn diễn ra bình thường.
Đồng thời, việc Tập đoàn Carrefour tuyên bố ngưng tiêu thụ cá tra Việt Nam cũng được khẳng định không làm ảnh hưởng lớn tới việc xuất khẩu cá tra Việt vào thị trường này.
Bởi, thị trường bán lẻ EU là một khối thị trường trong đó 25 nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Carrefour không phải là tập đoàn làm việc trực tiếp với các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại Việt Nam, mà qua các công ty nhập khẩu EU, các công ty nhập khẩu EU này phản hồi rằng tiêu thụ cá tra của tập đoàn bán lẻ nay không đáng kể. Nói cách khác, lượng cá tra Việt Nam mà Tập đoàn Carrefour phân phối cho thị trường EU là không lớn.
Nhiều chuyên gia trong ngành cũng chỉ ra, các thị trường chính tiêu thụ cá tra tại EU lần lượt là: Tây Ban Nha, Hà Lan, Đức và Anh. Thông qua Kế hoạch chiến lược CSR và chính sách thu mua thủy sản, các nhà bán lẻ EU thực hiện các chương trình kiểm soát và giới hạn sự lựa chọn.
Trong khi đó, ngành công nghiệp cá tra của Việt Nam phát triển cả về quy mô và quản lý, đặc biệt là đảm bảo kiểm soát chất lượng. Vì vậy, sản phẩm cá tra Việt Nam sẽ vẫn đảm bảo tiêu thụ ở thị trường EU.
Hiện, 90% nguồn nguyên liệu đều được doanh nghiệp tự nuôi, các trại giống, nhà máy thức ăn chăn nuôi, trang trại nuôi và nhà máy chế biến cũng được quản lý chặt chẽ. Nhiều ao nuôi cá tra hiện đạt chứng nhận quốc tế về thực hành nuôi tốt như BAP, GlobalGap (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt), chứng nhận ASC (chương trình dán nhãn và chứng nhận hàng đầu thế giới đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm),… Do đó, cá tra VN đảm bảo về vấn đề truy xuất nguồn gốc, quản lý tác động môi trường trong suốt toàn bộ chuỗi cung ứng, thể hiện tính an toàn và bền vững của ngành.
Nhiều tổ chức quốc tế khác cũng đã lên tiếng bảo vệ cá tra Việt, Liên minh Nuôi trồng Thủy sản Toàn cầu (GAA) đảm bảo rằng, cá tra Việt Nam được nuôi theo phương thức có trách nhiệm và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm khắt khe. Người tiêu dùng có thể yên tâm lựa chọn cá tra.
Theo GAA dựa trên các tiêu chuẩn mang tính khoa học, các cuộc thẩm tra độc lập, khắt khe, cá tra được chứng nhận là một sự lựa chọn an toàn và có trách nhiệm của người tiêu dùng. Việt Nam hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp, cơ sở nuôi đã đạt được các chứng nhận quốc tế ở mức cao, như Tiêu chuẩn nuôi cá tra bền vững (PAD) của Mỹ, hoặc tiêu chuẩn ASC của châu Âu…
Thông tin từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng cho biết, sản lượng nuôi trồng thủy sản tháng 1 năm 2017 ước đạt 210.000 tấn, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản lượng nuôi cá tra của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 71.400 tấn.
Trước đó, VASEP cũng dự báo xuất khẩu cá tra năm 2017 có thể đạt 1,6 tỉ USD.