Đưa hàng Việt đến gần hơn với người tiêu dùng
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp Việt đã không ngừng nỗ lực, đổi mới công nghệ để cạnh tranh, đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng (NTD) Việt.
Ngoài nâng cao chất lượng sản phẩm và tích cực tìm kiếm khách hàng, mở rộng thị trường, nhiều thương hiệu Việt đã có vị trí nhất định.
Vinh danh thương hiệu Việt
Ông Chu Ngọc Anh, (thứ 3 từ phải qua) Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ tham quan quầy hàng khởi nghiệp tại diễn đàn “Hàng Việt Nam Chất lượng cao và Khởi nghiệp – Một cuộc gặp gỡ để tìm giải pháp cho hội nhập” do Hội DN HVNCLC tổ chức.
Ngày 2/3/2017, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (DN HVNCLC) đã trao chứng nhận HVNCLC năm 2017 cho 592 doanh nghiệp.
Trong đó, doanh nghiệp ABCD Mekong (An Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Đồng Tháp) có 39 doanh nghiệp đạt danh hiệu này, gồm: tỉnh An Giang 12 doanh nghiệp, Bến Tre 8 doanh nghiệp, TP Cần Thơ 13 doanh nghiệp và Đồng Tháp 6 doanh nghiệp.
Hội DN HVNCLC đã khảo sát thực tế tại 16.000 hộ gia đình ở 12 tỉnh, thành (khu vực miền Bắc, miền Trung- Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Tây Nam bộ).
Cuộc điều tra cung cấp nhiều thông tin mới, sát thực về thị trường, cần thiết cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, NTD sử dụng hàng sản xuất trong nước đạt 92%, nhưng tỷ lệ ưa thích chỉ 78%. Tỷ lệ này củng cố thêm nhận định nhà sản xuất Việt Nam chưa đáp ứng được kỳ vọng của NTD. Kết quả khảo sát cho thấy, NTD lo ngại rất nhiều đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trong đó, ¼ số người được khảo sát lo ngại doanh nghiệp sử dụng chất cấm trong sản xuất và bảo quản; sử dụng nguyên liệu không đảm bảo chất lượng để sản xuất.
Một trong những lo ngại đáng lưu tâm hơn là dù biết sản phẩm không an toàn, NTD vẫn phải mua vì chưa có sản phẩm thay thế trên thị trường (ý kiến của 22% người được khảo sát).
Đặc biệt, đối với ngành nông sản tươi và thực phẩm đóng hộp, lo ngại lớn nhất là chưa có nhiều sản phẩm (sạch) thay thế trên thị trường (chiếm tới 53% và 41%).
Qua khảo sát cho thấy, NTD mua chính ở kênh truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa) là 60%, mua ở kênh hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi) 34%, điều này là do sự thay đổi điều kiện sống và mức sống.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN HVNCLC, nhấn mạnh: "Kết quả trên là thách thức cho nhà sản xuất trong nước và cũng là cơ hội của hàng hóa ngoại nhập".
Trước những biến động tình hình kinh tế thế giới và khu vực có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp xuất khẩu cũng như nội địa, Hội DN HVNCLC đã đưa ra giải pháp là xây dựng bộ tiêu chuẩn mới về chất lượng sản phẩm, bên cạnh việc bình chọn doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn mềm là HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn.
Bộ tiêu chí này tổng hợp, chọn ra những tiêu chí phổ quát nhất của Việt Nam với các bộ tiêu chuẩn được thế giới công nhận từ các nền kinh tế các nước phát triển (Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Singapore…).
Theo bà Vũ Kim Hạnh, lần đầu tiên sau 20 năm thực hiện chương trình HVNCLC do người tiêu dùng bình chọn, Hội DN HVNCLC xây dựng bộ tiêu chí nhằm tạo lợi thế, điểm tựa về chất lượng kỹ thuật, là lời cam kết vững chắc về chất lượng để cạnh tranh hàng ASEAN đang tràn ngập thị trường nội địa và cả cạnh tranh trên các thị trường xuất khẩu.
Đổi mới để phát triển
Ông Lý Huy Sáng, Phó Tổng giám đốc Công ty Gốm sứ Minh Long I chia sẻ: "Ấp ủ ý tưởng từ năm 2002 về việc thực hiện tự động hóa trong sản xuất gốm sứ, suốt 15 năm đưa công nghệ mới vào sản xuất là một quá trình khó khăn.
Đầu tư robot vào dây chuyền sản xuất với chi phí đắt đỏ, nhân viên vận hành cũng cần phải có trình độ tương ứng.
Do vậy, Minh Long I phải đưa nhân viên ra nước ngoài đào tạo; đồng thời mời các chuyên gia ở nước ngoài về Việt Nam hướng dẫn thêm. Tuy nhiên, ban đầu công ty chỉ vận hành bằng hệ thống bán tự động trước khi đi vào tự động hoàn toàn".
Theo ông Lý Huy Sáng, đối với sản phẩm gốm sứ cao cấp, khách hàng luôn chú trọng sự đồng nhất và chính xác của sản phẩm. Chỉ một sai số nhỏ trong kích thước sản phẩm, dù chưa đến 1mm cũng khó chấp nhận. Nhờ tự động hóa, dây chuyền sản xuất từ 400 nhân sự giảm còn 20 nhân sự.
Với quan niệm đổi mới công nghệ không phải lúc nào cũng tốn nhiều chi phí, ông Phạm Minh Thiện, Giám đốc Công ty Cỏ May (Đồng Tháp) dẫn chứng về công nghệ làm nấm sạch của Cỏ May.
Đó là sự kết hợp của tri thức cộng với đội ngũ khoa học để cùng nhau nghiên cứu và phát triển sản phẩm trên nền nguyên liệu rơm rạ.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Vinamit, cho rằng: Nền nông nghiệp Việt Nam muốn cạnh tranh với thế giới thì phải làm organic (thực phẩm hữu cơ). Mà organic đối với người Việt không phải là điều mới mẻ. Chúng ta chỉ cần bổ sung kiến thức và công nghệ để bù đắp dinh dưỡng thêm.
Công ty cổ phần Gentraco (TP Cần Thơ) đã xây dựng phương án đổi mới để nâng cao hiệu quả xuất khẩu, đưa sản phẩm vào các thị trường khó tính.
Công ty đã đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu thực hiện theo tiêu chuẩn BRC (Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm của Hiệp hội bán lẻ Anh quốc) – tiêu chuẩn cao nhất của ngành gạo ở thời điểm hiện tại.
Bộ tiêu chuẩn mới sẽ cộng thêm điểm cho sản phẩm an toàn như đáp ứng các yếu tố bảo vệ môi trường, nguồn nước, an toàn sức khỏe cho nông dân, giảm khí thải… để việc sản xuất kinh doanh thực sự bền vững, đúng tiêu chuẩn an toàn môi trường của ngành gạo quốc tế.
Khi đầu tư thực hiện chuẩn toàn cầu (Global GAP và Organic) mang thương hiệu "Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An", công ty liên kết với nông dân mở rộng cánh đồng lớn, đồng thời hiện đại hóa kho, hệ thống sấy lúa, xay xát, lau bóng đồng bộ, dây chuyền đóng gói tự động…
Ông Phạm Thái Bình, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An, khẳng định: "Trong 3 năm tới toàn bộ gạo sản phẩm của công ty tham gia thị trường là gạo hữu cơ, đạt tiêu chuẩn toàn cầu".
Các chuyên gia về xây dựng thương hiệu cho rằng, để phát triển doanh nghiệp, các đơn vị nên áp dụng mô hình kinh doanh mới, nhưng không đổi mới tư duy định vị, định nghĩa ý nghĩa ngành hàng hay sản phẩm mới thì khó thành công.
Trong cạnh tranh, thành công đôi khi không đến bằng việc làm tốt hơn mà phải tạo ra sự khác biệt, cách làm khác biệt.