Đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng

Áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) để đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng được đánh giá là hoạt động hiệu quả và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước. Thông qua mô hình này, DN dễ dàng tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới...

Doanh nghiệp hưởng lợi

Khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, DN đang bị kìm hãm rất nhiều trong khâu “đầu ra”, lưu thông sản phẩm và tiếp cận các kênh phân phối. Đáng chú ý, có tới gần 80% số DN được khảo sát cho biết, mua hàng ngoại qua trung gian thuận lợi hơn nhiều so với mua hàng nội qua khâu trung gian, do hàng nội phần lớn phụ thuộc vào khâu logistics. Trong khi đó, mức chi phí cho khâu này ở Việt Nam cao gấp 3 lần so với Mỹ, gấp đôi so với Nhật Bản và gần 1,5 lần so với Thái Lan. Đây là sự lãng phí rất lớn đối với tiềm lực của các DN. Trước tình hình đó, Bộ Công Thương cùng Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai nhiều hoạt động PPP nhằm hỗ trợ các hiệp hội DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa thông qua các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia, khuyến công quốc gia, khoa học - công nghệ.

Từ năm 2014 đến nay, Bộ Công Thương đã phê duyệt 148 dự án liên kết theo mô hình PPP nhằm phát triển thị trường nội địa, cũng như thực hiện tốt cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Với sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước, sự hưởng ứng của DN và người tiêu dùng, các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu hàng Việt được tổ chức rất bài bản, DN tham gia cũng ngày càng đông hơn. Đáng chú ý, lượng kinh phí DN tự bỏ ra để tham gia vào các hoạt động PPP giữa các bộ, ngành, hiệp hội và DN ngày càng lớn.

Đánh giá về mô hình PPP gắn với phát triển thị trường trong nước thông qua cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, bà Lê Thị Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) khẳng định, PPP đang góp phần quan trọng đưa hàng Việt tới gần hơn với người tiêu dùng trong nước. Tỷ lệ hàng Việt tại các siêu thị đã tăng cao từ 70 đến 90%. Thông qua PPP, các DN dễ dàng tiếp cận được với các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tăng cường đầu tư hạ tầng thương mại, mở rộng và phát triển mạng lưới... Quan trọng hơn, trong bối cảnh kinh tế nước ta đang hội nhập với các mức độ cạnh tranh ngày càng gay gắt, sự tham gia gắn kết giữa Nhà nước và khu vực tư nhân không chỉ chia sẻ những lợi ích, mà còn giảm bớt rủi ro trong quá trình triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Nhà nước, giảm bớt áp lực chi ngân sách, tối ưu hóa hiệu quả hoạt động và chất lượng dịch vụ.

Nhân rộng mô hình

Mô hình PPP đã, đang phát triển mạnh trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung. Đánh giá về hiệu quả của mô hình PPP, Giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, nhờ áp dụng mô hình này, nhiều DN có điều kiện tham gia các hội chợ quốc tế, xúc tiến thương mại tại nước ngoài. Đáng chú ý, sau mỗi chuyến đi, 100% DN giới thiệu được hàng hóa với khách hàng, 10% DN tìm được đối tác và ký hợp đồng ngay tại hội chợ. Đối với thị trường trong nước, thông qua các chương trình như “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn… các DN đã có cơ hội giới thiệu hàng hóa, mở đại lý phân phối tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành một số văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động này như: Quyết định số 71/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm theo hình thức PPP; Nghị định 15/2015/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức PPP… Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 35 (ngày 16-5-2016) về việc hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, trong đó nhấn mạnh chủ trương xây dựng nhà nước kiến tạo, lấy DN là đối tượng phục vụ, tạo mọi điều kiện cho DN đầu tư, kinh doanh và phát triển. 

Đặc biệt, trong xu thế toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, quan hệ giữa Chính phủ và DN cần được đẩy lên thành mối quan hệ đối tác. Đây cũng được xem là cơ chế để khai thác tối đa các thế mạnh về đầu tư, sản xuất, quản lý, khả năng sáng tạo của khu vực tư nhân trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp.
 

Bình luận của bạn