Đưa hàng Việt Nam vào Ba Lan: Nắm bắt thị trường, kết nối thông tin
Thị trường lớn nhất tại Đông Âu
Với dân số trên 38 triệu người, thu nhập bình quân ở mức 24 ngàn USD/người/năm, Ba Lan được đánh giá là thị trường lớn nhất tại Đông Âu và cũng là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai chiều đã đạt 1 tỷ USD và năm 2018 dự báo sẽ vượt ngưỡng này.
Riêng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Ba Lan giai đoạn từ 2010 đến năm 2017 liên tục tăng trưởng dương với tốc độ trung bình khoảng 27%; trong đó năm 2017 đạt 775,74 triệu USD, tăng 29,8% so với năm 2016. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng dệt may (42,7 triệu USD), sắt thép (36,8 triệu USD), cà phê (32,2 triệu USD), máy tính và linh kiện (147,9 triệu USD) và nhiều nhất là máy móc và thiết bị phụ tùng khác (231,6 triệu USD).
Vận tải hàng hóa thuận lợi sẽ góp phần thúc đẩy giao thương
Ông Piotr Harasimowicz - Trưởng Văn phòng đại diện Cục Đầu tư và Thương mại Ba Lan tại TP. Hồ Chí Minh - cho hay, hiện Ba Lan nhập khẩu gạo rất nhiều nhưng chưa có mặt hàng gạo nào xuất xứ từ Việt Nam. Ngoài ra, còn rất nhiều mặt hàng như trái cây, nông sản, dầu ăn... mà thị trường Ba Lan có nhu cầu lớn nhưng các DN Việt lại chưa phân phối được.Nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng như dệt may, gạo, dầu ăn, nông sản, thủy sản… của Ba Lan rất lớn (chỉ riêng thủy sản nước này nhập khẩu khoảng 2 tỷ USD/năm) song hầu như DN Việt Nam lại tiếp cận chưa hiệu quả.
Tăng cường kết nối
Dù tiềm năng của thị trường Ba Lan rất lớn nhưng do khoảng cách về địa lý nên các DN xuất khẩu Việt Nam chưa quan tâm nhiều đến thị trường này. Bên cạnh đó, việc tiếp cận cũng không dễ dàng bởi việc đàm phán thường thông qua gặp mặt trực tiếp và phía Ba Lan thường yêu cầu sự hiện diện của các đại lý, nhà phân phối hoặc văn phòng đại diện tại Ba Lan.
Ông Nguyễn Quốc Điển - Giám đốc Marketing Công ty Cảng Bến Nghé - nhận xét, những hạn chế về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam - Ba Lan đã được cải thiện khi hai nước có đường bay thẳng, các phương thức vận tải hàng hóa bằng đường biển, đường hàng không giữa Việt Nam và Ba Lan nói riêng và khu vực châu Âu nói chung khá đa dạng nên sẽ tạo thuận lợi cho các DN giao thương hàng hóa trong thời gian tới. Là DN đang xuất khẩu thành công vào Ba Lan với thị phần mì ăn liền tại nước này đạt 29,26%, đại diện của Công ty CP Kỹ Nghệ thực phẩm Việt Nam (VIFON) - chia sẻ, kết quả có được là do sản phẩm của VIFON luôn đạt chất lượng tốt (không sử dụng phẩm màu tổng hợp, chất bảo quản tổng hợp), bao bì bắt mắt và đa dạng.
Đặc biệt, như sự khẳng định của ông Piotr Harasimowicz, để gia tăng xuất khẩu hàng Việt sang Ba Lan, DN của hai nước phải tăng cường kết nối thông tin để nắm bắt thị trường, nắm bắt đối tác kết nối trong tương lai.
Tăng cường kết nối thông tin, tập trung cho chất lượng sản phẩm, phát triển hệ thống đại lý, nhà phân phối tại nước sở tại…, là những yếu tố cần đối với DN Việt khi muốn đưa hàng vào thị trường Ba Lan. |