Đưa hàng Việt vào ASEAN

Nhưng dù có nhiều tiềm năng phát triển, thị trường ASEAN cũng chứa đựng không ít thách thức đối với các DN Việt Nam.

Đón cơ hội từ việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, với nhiều rào cản đối với hoạt động thương mại được gỡ bỏ, Công ty Đại Đồng Tiến trong những năm qua đã đẩy mạnh xuất khẩu hàng gia dụng vào khu vực này. Hiện tại, sản phẩm của công ty đã có mặt tại một số nước như Thái Lan, Myanmar… và rất được người tiêu dùng các nước ưa chuộng.

Không chỉ có Đại Đồng Tiến, thị trường ASEAN cũng đang nằm trong tầm ngắm của nhiều DN Việt Nam khác. Hoặc là khai thác trực tiếp, hoặc tiếp cận thị trường và đưa hàng hóa vào các trung tâm siêu thị, bán lẻ… nhiều các tập đoàn lớn, DN đầu tư và khẳng định được thương hiệu sản phẩm tại thị trường này. Đơn cử cho đến nay một số tập đoàn lớn đã đầu tư thành công tại đây như Hoàng Anh Gia Lai, BIDV, Viettel…

Đến nay, ASEAN đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của các DN Việt Nam. Ngoài dầu thô và gạo là các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường ASEAN thì hiện đã có rất nhiều các mặt hàng khác cũng đang dần chiếm lĩnh thị trường và được người tiêu dùng các nước ASEAN ưa chuộng, như dệt may, giày dép, thủy sản, cà phê, cao su, máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện, sắt thép các loại… Trong năm 2016, lượng hàng hóa của DN Việt Nam xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt trên 14 tỷ USD.

Ông Đỗ Quốc Hưng, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á-Thái Bình Dương (Bộ Công Thương) cho rằng, với việc hàng rào thuế quan bị loại bỏ, các hàng rào phi thuế bị cắt giảm tạo điều kiện cho hàng hóa dịch vụ của Việt Nam được lưu chuyển dễ dàng hơn trong khu vực ASEAN. Các DN sẽ được hưởng những yếu tố tích cực qua việc tăng khối lượng trao đổi thương mại, thay đổi cơ cấu xuất khẩu, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng xuất khẩu và tăng kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị phần…

Nhưng dù có nhiều tiềm năng phát triển như vậy, thị trường ASEAN cũng chứa đựng không ít thách thức đối với các DN Việt Nam. Đại diện Công ty Đại Đồng Tiến chia sẻ, để có thể thâm nhập vào thị trường ASEAN, sản phẩm của DN đã phải cạnh tranh mạnh mẽ với hàng hóa của các nước như Thái Lan, Trung Quốc… Tuy nhiên, DN Việt vẫn có thể cạnh tranh thành công và phát triển ổn định tại thị trường này.

Theo đại diện DN, công ty đã chuẩn bị một chiến lược tiếp cận thị trường ASEAN thông qua việc đầu tư bài bản dây chuyền công nghệ sản xuất hiện đại, liên tục cải tiến mẫu mã và thiết kế kiểu dáng mới phù hợp với thị hiếu người dùng; quản lý sản xuất tốt… Với thế mạnh về sản xuất sản phẩm nhựa, công ty đẩy mạnh xuất khẩu nhóm sản phẩm nhựa gia dụng chất lượng cao và an toàn, nội thất nhựa cao cấp và bền vững. Đồng thời, để có thể chinh phục khách hàng quốc tế, công ty đã đạt các tiêu chuẩn về chất lượng thì các chứng chỉ về môi trường, trách nhiệm xã hội. Do đó, các sản phẩm Đại Đồng Tiến hoàn toàn tự tin đáp ứng các yêu cầu vệ sinh an toàn và chất lượng.

Bên cạnh đầu tư đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng hàng hóa và dịch vụ như trường hợp của Đại Đồng Tiến, theo các chuyên gia thì DN còn phải nắm rõ thị trường. Ông Đỗ Quốc Hưng cũng cho rằng, DN cần xây dựng kênh phân phối tại thị trường xuất khẩu, tăng cường nghiên cứu thị trường – xúc tiến thương mại; nâng cao hiểu biết về luật pháp để đảm bảo quyền lợi cho chính mình. Đặc biệt cần quan tâm nhiều đến những quy định về khung pháp lý của thị trường về vệ sinh an toàn thực phẩm…

Đồng thời để chinh phục được thị trường ASEAN, bên cạnh nỗ lực của chính các DN thì hoạt động xúc tiến thương mại tầm quốc gia, của nhóm hàng cũng đóng vai trò hết sức quan trọng. Theo các DN, việc  tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại với sự tham gia của các hiệp hội sẽ giúp DN kết nối, giao thương tốt hơn với thị trường mục tiêu, từ đó khai thác triệt để các thị trường tiềm năng tại khu vực ASEAN.

Bình luận của bạn