Đưa hàng Việt vào Hàn Quốc cần coi trọng đối tác sở tại

Trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đạt 45,09 tỷ USD, tăng gần 87 lần trong hơn 2 thập kỷ, vượt qua Trung Quốc trở thành thị trường nhập siêu lớn nhất của Việt Nam.

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, nguyên nhân chính của thực trạng này là do Hàn Quốc dẫn đầu về lượng vốn FDI vào Việt Nam. Cùng với đó, các doanh nghiệp FDI này chủ yếu nhập khẩu tư liệu sản xuất từ chính quốc. Điều này dẫn đến việc nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 34,41 tỷ USD trong 9 tháng, tăng 46,5% so với cùng kỳ, trong khi nhập từ Trung Quốc chỉ tăng 15,6% và đạt 41,6 tỷ USD.

Một lợi thế nữa cho việc gia tăng kim ngạch thương mại giữa hai nước, đó là Việt Nam và Hàn Quốc đã có hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc (chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2015). Quá trình thực thi FTA này là động lực để thương mại giữa hai nước cải thiện đáng kể, đồng thời dẫn tới nhập siêu từ Hàn Quốc tăng mạnh khi Hàn Quốc tận dụng ưu đãi tốt hơn.

dua hang viet vao han quoc can coi trong doi tac so tai hinh 1
Hàng Việt chủ yếu vẫn được phân phối ở những hệ thống phân phối không chính thức tại Hàn Quốc. (Ảnh minh họa: KT)
 

Đánh giá về kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu, ông Lê Quốc Phương, Phó giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, các doanh nghiệp của Hàn Quốc đã chuẩn bị rất kỹ càng các điều kiện để được hưởng ưu đãi từ trước khi FTA có hiệu lực.

Do vậy, đến khi hiệp định này đi vào thực thi, hàng hóa của Hàn Quốc có thể vào Việt Nam ngay bởi hàng hóa của họ hầu như đều đáp ứng được các tiêu chuẩn cũng như chất lượng. Ở chiều ngược lại, hàng hóa của Việt Nam chưa chắc đã đáp ứng được yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, các tiêu chuẩn chất lượng khi sang thị trường Hàn Quốc.

Nhận định của ông Phương được minh chứng rõ ở tỷ lệ tận dụng ưu đãi của các doanh nghiệp Việt Nam. Cụ thể, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) để hưởng ưu đãi từ FTA mới đạt 40%, tỷ lệ DN sử dụng C/O để hưởng ưu đãi từ FTA chỉ ở mức 15%.

Theo ông Lê An Hải, Phó vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- châu Phi (Bộ Công Thương), điểm nổi bật trong quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc là cơ cấu hàng hóa xuất nhập khẩu có tính bổ sung rõ nét, cơ bản không cạnh tranh trực tiếp.

Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc chủ yếu là máy móc thiết bị; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiên; nguyên phụ liệu dệt may da giày, sắt thép, chất dẻo, hóa chất, phương tiện vận tải, xăng dầu.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu hàng dệt may, điện thoại các loại và linh kiện, thủy sản, gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, giày dép, phương tiện vận tải và phụ tùng, xơ, sợi dệt các loại… sang Hàn Quốc.

Với đặc điểm nổi bật này, theo giới chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc hơn nữa để không chỉ tận dụng được cơ hội mà FTA Việt Nam - Hàn Quốc mang lại, mà còn là biện pháp để giúp Việt Nam giảm nhập siêu từ thị trường này.

Chính vì thế, cách nào để có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc chính là mối trăn trở của nhiều doanh nghiệp cũng như nhà làm chính sách hiện nay, bởi Hàn Quốc xưa nay vẫn được coi là một trong những thị trường khó tính nhất.

Giải tỏa những băn khoăn này, ông Lê An Hải cho rằng, khi xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam cần quan tâm đến tâm lý và định kiến tiêu dùng của người Hàn Quốc, nhất là khi họ cho rằng, hàng Việt Nam chất lượng không tốt, không đảm bảo vệ sinh và hàng Hàn Quốc là số 1, niềm tự hào dân tộc về sản phẩm nông sản thực phẩm của họ rất lớn.

Cũng theo ông Hải, điều đáng chú ý nhất của các doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng thị trường tại quốc gia này là hệ thống phân phối của Hàn Quốc khá phức tạp với hàng trăm đại siêu thị, hàng nghìn siêu thị lớn nhỏ, hàng chục nghìn cửa hàng tiện ích và hàng trăm nghìn cửa hàng gia đình đã khiến sự cạnh tranh và hệ thống hóa cao độ kênh phân phối.

Thực tế hiện nay, số lượng nhãn hiệu thuần Việt ở thị trường Hàn Quốc chưa nhiều với một vài thương hiệu như cà phê G7, phở Xưa và Nay, tương ớt Trung Thành, nước mắm Nam Ngư… xuất hiện trên quầy kệ của các tập đoàn lớn chưa nhiều, chủ yếu được phân phối ở những hệ thống phân phối không chính thức.

Do đó, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường Hàn Quốc, ông Hải cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam phải có đối tác ở nước sở tại là các nhà phân phối ở Hàn Quốc để làm sao đưa sản phẩm vào chuỗi tiêu thụ của họ.

Khi đã tiếp cận được nhà phân phối lớn của Hàn Quốc, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có sự ổn định về đơn hàng, vừa gắn được sản phẩm của mình với thương hiệu, hãng phân phối nổi tiếng, từ đó tạo lập được thương hiệu riêng cho mình tại thị trường Hàn Quốc./.

Bình luận của bạn