Đưa hàng Việt vào kênh phân phối hiện đại: Nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh cho hàng hóa

Hôm nay (26/4), Cổng Thông tin điện tử Chính phủ đã tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Hàng Việt trong cuộc cạnh tranh vào kênh phân phối hiện đại”. Theo các doanh nghiệp (DN) và chuyên gia, nâng cao sức cạnh tranh và uy tín hơn nữa chính là giải pháp đưa hàng hóa Việt vào các kênh phân phối hiện đại.

Còn khó khăn khi đưa hàng Việt vào siêu thị

Cuộc cạnh tranh của hàng Việt với hàng nước ngoài đang gay gắt hơn bao giờ hết bởi theo các cam kết hội nhập, đến năm 2018, khi hàng hóa từ các nước ASEAN vào Việt Nam thuế suất bằng 0% và hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) có hiệu lực thì hàng Việt phải chịu sức ép lớn về chất lượng và giá thành. Bên cạnh đó, trong kênh phân phối hiện đại, DN ngoại đang chiếm thị phần lớn nên họ có quyền lựa chọn hàng hóa vào hệ thống siêu thị của họ. Ngoài ra, hiện nay hàng hóa của các DN nước ngoài sản xuất, gia công tại Việt Nam đang có nhiều lợi thế, khiến hàng Việt càng khó khăn hơn.

Là một trong những kênh phân phối hàng hóa hiệu quả bởi có hệ thống bán hàng hiện đại, quy mô và mật độ lớn, siêu thị là kênh phân phối được nhiều DN mong muốn đưa hàng vào. Tuy vậy, theo phản ánh của nhiều DN, đặc biệt là các DN sản xuất vừa và nhỏ sản xuất hàng hóa thuần Việt, đưa hàng Việt vào siêu thị không phải là việc dễ dàng.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam - lý giải, hàng hóa tham gia vào kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm mua sắm chưa bao giờ dễ dàng vì kênh bán lẻ hiện đại của Việt Nam hiện nay còn khá ít, chỉ đạt khoảng 30%. Bên cạnh đó, hàng hóa vào siêu thị còn gặp nhiều khó khăn do tiêu chuẩn cao hơn chợ truyền thống và bản thân các DN sản xuất không phải lúc nào cũng hiểu biết đầy đủ cũng như cập nhật kịp thời yêu cầu của siêu thị.

Ngoài ra, hàng Việt còn phải chịu sự cạnh tranh hết sức gay gắt của hàng hóa cùng loại được nhập khẩu từ nước ngoài và dù đã có sự cải tiến nhất định về chất lượng, bao bì, quảng cáo nhưng vẫn chưa tạo được sự cạnh tranh mạnh mẽ và nổi trội cả về chất lượng và giá thành. Do đó, dù người tiêu dùng có cảm tình, yêu thích hàng Việt nhưng khi bỏ tiền ra vẫn còn suy nghĩ.

Về phía DN, ông Nguyễn Đặng Hiến - Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Tân Quang Minh - DN được biết đến với thương hiệu nước giải khát Bidrico chia sẻ, đồng tình rằng 80-90% hàng hóa của các siêu thị là hàng hóa Việt Nam nhưng nhìn chung, hàng hóa thuần Việt vẫn chưa có được vị trí tốt như hàng hóa của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Nguyên nhân bởi các DN mới chỉ coi siêu thị là nơi trưng bày, để sản phẩm quen mắt với người tiêu dùng, sau đó đưa hàng vào các chợ truyền thống chứ không coi siêu thị là kênh phân phối bán lẻ hiệu quả. Phải giải quyết tâm lý này thì hàng Việt Nam mới có được chỗ đứng vững vàng trong siêu thị.

Tiếp tục nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt

Để hàng Việt tìm đường vào siêu thị tốt hơn, các cơ quan chức năng đang nỗ lực tạo điều kiện tốt nhất cho DN trong phạm vi không vi phạm các cam kết WTO cũng như các FTA thế hệ mới. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương, cho rằng, Đề án phát triển thị trường trong nước, kết nối cung cầu do Bộ Công Thương chủ trì đang giúp cho các doanh nghiệp trong nước tăng cường sự hiện diện các sản phẩm sản xuất trong nước tại các hệ thống phân phối hiện đại. Hiện tại, hàng Việt có mặt tại các chuỗi siêu thị đã chiếm tỷ lệ cao với 80 - 90%.

Mặt khác, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng nghị định tăng cường năng lực cạnh tranh cho các DN bán lẻ Việt với những ưu đãi mặt bằng, thuế… Khi hoàn thành, đề án này sẽ giúp các kênh phân phối bán lẻ Việt phát triển, tạo điều kiện đẩy mạnh kinh doanh, tiêu thụ hàng Việt Nam.

Song song với nỗ lực của các cơ quan chức năng, bà Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng, hàng Việt cần có sự thay đổi, tăng cường tiếp cận người tiêu dùng với nhiều hình thức khác nhau. Các DN muốn đưa sản phẩm lên kệ hàng của các siêu thị cũng phải tập trung quảng bá, truyền thông thương hiệu, thu hút khách hàng… chứ không thể trông chờ hoàn toàn vào các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, hệ thống bán lẻ.

Ông Thái Bá Dũng, Phó Tổng giám đốc Siêu thị Big C Thăng Long (Hà Nội) cho biết: Big C đưa hàng vào siêu thị với một chính sách ưu đãi như nhau, tuy vậy có một số sản phẩm trong nước không đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, bị đánh bật ra khỏi siêu thị do giá bán chưa tốt, nguồn hàng cung cấp không ổn định… Đây là những yếu tố đầu tiên DN phải chú ý để không bị đánh bật khỏi siêu thị.

Ông Nguyễn Đặng Hiến nhấn mạnh, DN cần chủ động làm cho doanh nghiệp mạnh lên với các chiến lược phân phối sản phẩm, truyền thông thương hiệu… tại các kênh bán lẻ. Đồng thời, các DN cần liên kết với nhau để giảm giá thành sản xuất, tăng sức cạnh tranh, bán sản phẩm với giá cả hợp lý trên thị trường; không nên xé lẻ để cạnh tranh về giá vì nếu xé lẻ, DN sẽ tự làm hại mình và khiến hàng hóa càng khó khăn khi muốn vào siêu thị.

Bình luận của bạn