Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại - Kênh xuất khẩu hiệu quả

Đưa hàng Việt vào siêu thị ngoại - kênh xuất khẩu hiệu quả

Nhiều năm nay, thông qua chương trình cấp chính phủ này, hàng Việt đã thâm nhập ở một số nước châu Âu, châu Á.

Đưa nông sản vào Singapore

Trong các ngày 13 - 26/11, chương trình Tuần lễ hàng Việt Nam tại Singapore do Bộ Công Thương và Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore phối hợp với Tập đoàn NTUC FairPrice tổ chức đồng loạt diễn ra tại hơn 140 siêu thị của NTUC FairPrice.

Theo Tham tán thương mại Việt Nam Trần Thu Quỳnh tại Singapore, bên cạnh hơn 600 mặt hàng Việt Nam có mặt tại hệ thống siêu thị Singapore, chuẩn bị cho sự kiện này, đối tác đã đưa thêm hơn 20 mặt hàng mới của Việt Nam vào hệ thống NTUC FairPrice. Trong đó, có những mặt hàng mang tính đột phá như tôm, cá, sữa, bánh tráng, phở, bún organic và 3 loại trái cây của Việt Nam là hồng xiêm, bưởi năm roi và thanh long ruột đỏ.

Đây là lần đầu tiên một tuần hàng quốc gia có thời gian tổ chức và quy mô lớn như vậy. Nhật báo The New Paper (Singapore) đã dành 2 trang trong số ra ngày 12/11 để quảng bá cho 40 mặt hàng của Việt Nam được khuyến mại đặc biệt nhân dịp này. Tại lễ khai mạc, đại sứ ẩm thực người Việt trình diễn một số món ăn Việt Nam như gỏi cuốn tôm, nộm bưởi, bánh mì chả cá... để giới thiệu nông sản, thực phẩm của Việt Nam thông qua ẩm thực.

Bằng việc trực tiếp sử dụng các sản phẩm Việt Nam có mặt tại hệ thống siêu thị, các món ăn tiêu biểu của Việt Nam được chế biến và dùng thử tại chỗ sẽ thuyết phục người tiêu dùng các nước sử dụng sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam để chế biến thức ăn.

Cũng theo Tham tán thương mại Trần Thu Quỳnh, có nhiều sản phẩm là kết quả của việc hỗ trợ của Bộ Công Thương dành cho các doanh nghiệp khởi nghiệp có chiến lược phát triển ra thị trường nước ngoài rõ rệt. Điển hình là trà thảo dược Shevia. Đây là một trong số những công ty được tài trợ để tham gia khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ Thực phẩm và Khách sạn hồi tháng 4/2018 nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Singapore. Ngay sau hội chợ, một hợp đồng có giá trị cho Shevia đã ký với FairPrice, nhanh chóng đưa sản phẩm của doanh nghiệp này vào hệ thống bán lẻ lớn nhất Singapore.

Đưa được hàng vào hệ thống siêu thị FairPrice cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã bước đầu thành công trong việc xuất khẩu sang Singapore. Bởi đây là hệ thống siêu thị do Công đoàn toàn quốc Singapore (National Trade Union Congress - NTUC) thành lập vào năm 1973 có nhiệm vụ đảm bảo giá cả và đời sống cho người dân Singapore.

Đến nay, FairPrice đã trở thành chuỗi bán lẻ lớn nhất Singapore khi chiếm đến 56% thị phần cả nước với 140 chuỗi siêu thị lớn và 160 cửa hàng tiện ích. FairPrice hiện là đối tác của Saigon Co.op, có giấy phép liên doanh kinh doanh thương mại tại Việt Nam với thương hiệu đại siêu thị Co.opXtra.

Hiện nay, tại hệ thống của FairPrice, đã có khoảng 650 mặt hàng của Việt Nam được bày bán. Ngoài các mặt hàng thế mạnh gồm nông sản, thực phẩm, nhiều mặt hàng công nghiệp, gia dụng, hàng tiêu dùng như đồ nhựa, khăn giấy, hóa phẩm... của Việt Nam cũng đã được đưa vào hệ thống bán lẻ lớn nhất Singapore này.

Hiện nay, tại hệ thống của FairPrice, đã có khoảng 650 mặt hàng của Việt Nam đang được bày bán. Ngoài các mặt hàng thế mạnh gồm nông sản, thực phẩm; nhiều mặt hàng công nghiệp, gia dụng, hàng tiêu dùng như đồ nhựa, giấy ăn, hóa phẩm... của Việt Nam cũng đã được đưa vào hệ thống bán lẻ lớn nhất Singapore này.

Ở góc độ là đối tác NTUC FairPrice, ông Nguyễn Anh Đức - Phó tổng giám đốc thường trực Saigon Co.op cho biết, trung bình mỗi năm, Saigon Co.op xuất sang Singapore thanh long, khoai lang, ớt chuông, bưởi năm roi... và thu về cho Việt Nam gần 2 triệu USD.

Bên cạnh việc mang lại giá trị kinh tế, hàng hóa, việc nhiều chủng loại hàng của Việt Nam được chấp nhận nhập khẩu vào Singapore được xem là biểu tượng của chất lượng, an toàn - là cách mà Saigon Co.op đang làm thương hiệu cho hàng Việt.

Kênh xúc tiến thương mại hiệu quả

Xúc tiến thương mại bằng hình thức đưa hàng hóa xuất khẩu trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài là một trong những chương trình cấp chính phủ, được Bộ Công Thương triển khai từ nhiều năm nay. Chương trình nhằm đẩy mạnh xuất khẩu trực tiếp hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối của các tập đoàn đa quốc gia cũng như đa dạng hóa chủng loại hàng xuất khẩu của Việt Nam ra nước ngoài.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, việc tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại các chuỗi phân phối ở nước ngoài thời gian qua đã thu hút sự quan tâm của khách hàng nhiều nước, tạo ra kênh giao thương trực tiếp giữa nhà sản xuất Việt Nam với người tiêu dùng nước ngoài.

Qua 8 năm triển khai, chương trình đã tạo được những dấu ấn nhất định. Bắt đầu từ năm 2011, Tuần hàng Việt Nam được Bộ Công Thương kết hợp với Tập đoàn Casino tổ chức tại hệ thống siêu thị Big C (một trong những hệ thống hàng đầu tại Pháp). Từ đây, hàng hóa Việt Nam đã có mặt nhiều hơn tại Pháp và một số nước châu Âu thông qua hệ thống chuỗi siêu thị bán lẻ này. Trong đó, hàng đông lạnh, đặc biệt là tôm đông lạnh của Việt Nam đảm bảo an toàn dịch bệnh đã cạnh tranh tốt với sản phẩm nhiều nước tại thị trường châu Âu. 

Tiếp nối hiệu quả từ chương trình ở Pháp, năm 2012 Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại Đức thông qua hệ thống phân phối của Metro Cash & Carry. Cầu nối này đã giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tạo dựng mối quan hệ đối tác chặt chẽ, từ đó nắm bắt được nhu cầu về sản phẩm, thị trường, người tiêu dùng khu vực này để sản xuất những sản phẩm phù hợp.

Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các hệ thống phân phối hiện đại của một trong những thị trường khó tính nhất thế giới. Cũng từ đó, Tuần hàng Việt Nam tại Pháp và Đức tiếp tục được tổ chức trong các năm sau đó và lan sang thị trường Ý thông qua siêu thị Bologna.

Thành công với Tuần hàng Việt Nam tại châu Âu, Bộ Công Thương mở rộng chương trình sang khu vực châu Á. Năm 2015, Tuần hàng Việt Nam lần đầu tiên trong khu vực này được triển khai tại Hàn Quốc rồi đến Thái Lan. Tại Hàn Quốc, Tuần hàng Việt Nam diễn ra rầm rộ tại hệ thống siêu thị Lotte mart; còn ở Thái Lan là hệ thống của một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất nước này - Central Group.

Trong 3 năm (2016, 2017, 2018), hàng Việt thông qua chuỗi siêu thị Big C của Central Group đã đến với người tiêu dùng nước này, giúp hàng Việt hiện diện ngày càng nhiều hơn ở đất nước chùa vàng. Khi chương trình được mở rộng ra nhiều nước, doanh nghiệp Việt hy vọng các mặt hàng nông sản, thực phẩm, thủ công mỹ nghệ... Việt Nam sẽ có chỗ đứng nhất định trong khu vực châu Á. Bởi chỉ riêng thị trường Singapore, từ năm 2016 đến 6 tháng đầu năm 2018, Saigon Co.op thông qua đối tác NTUC FairPrice đã xuất khẩu sang nước này lượng hàng hóa trị giá hơn 6 triệu USD.

Bình luận của bạn