Đưa hàng Việt về Tây Nam bộ: Kỳ I - Hành trình chinh phục miền Tây
Hàng Việt về với vùng biên
Ký ức những ngày khó khăn đầu tiên khi phân phối hàng Việt về một số tỉnh vùng Tây Nam bộ dường như vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí nhiều doanh nghiệp (DN) và người làm chính sách, ấy là khi các sản phẩm Việt chưa “được lòng” người tiêu dùng hoặc các DN sản xuất chưa mặn mà với thị trường.
Chúng tôi đến An Giang vào những ngày cuối cùng của năm 2016, đúng vào dịp DN tư nhân Tứ Sơn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang) - được biết đến với thương hiệu siêu thị Tứ Sơn - DN phân phối lớn nhất khu vực Tây Nam bộ kỷ niệm hành trình hơn 30 năm phát triển, cũng là 30 năm đồng hành, gắn bó với hàng Việt. Trong tiếng ca vọng cổ ngọt đến mềm môi, dưới ánh nắng vàng óng nhẹ nhàng của những ngày cuối năm, giữa khuôn viên rộng đến vài nghìn m2 của một trong những siêu thị lớn nhất khu vực Tây Nam Bộ, ông Tạ Minh Sơn - Giám đốc DN tư nhân Tứ Sơn - chia sẻ, để đưa hàng Việt về với miền Tây, đặc biệt là khu vực biên giới như tỉnh An Giang không hề đơn giản, bởi khu vực vùng biên bao đời nay vẫn là “thủ phủ” của hàng Trung Quốc.
Ông Tạ Minh Sơn bùi ngùi nhớ lại, những ngày đầu triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), để khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt, ông chủ Tứ Sơn đã dùng chính hình ảnh và uy tín hơn 30 năm xây dựng, phát triển của siêu thị Tứ Sơn để bảo lãnh cho hàng hóa Việt. Tận dụng vị thế nằm ở trung tâm TP. Châu Đốc, hàng loạt băng rôn, khẩu hiệu ủng hộ hàng Việt đã được treo khắp siêu thị. Nhân viên cửa hàng trở thành những tuyên truyền viên tích cực. Cộng với việc kiên định mục tiêu chỉ bán hàng chính hãng, ổn định giá, dần dần, từ chỗ không đáng kể, tỷ lệ hàng hóa Việt trong siêu thị tăng dần và hiện luôn duy trì ở mức 97 - 98%.
Thành công trong “phủ sóng” hàng Việt tại siêu thị khiến Tứ Sơn tiếp tục được chọn là một trong những DN hạt nhân thực hiện các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Tuy nhiên, nếu như tại khu vực trung tâm, thành phố, hàng Việt dễ được chấp nhận thì tại khu vực nông thôn, hành trình chinh phục người tiêu dùng trở nên gian nan gấp bội.
“Nếu giữ quan điểm nông thôn chỉ phù hợp với hàng kém chất lượng, giá rẻ thì chắc chắn sẽ thất bại. Muốn chiếm lĩnh khu vực này, đầu tiên, hàng phải tốt, phải đẹp. Sau đó, giá phải cạnh tranh” - ông Tạ Minh Sơn thẳng thắn chia sẻ. Từ quan điểm đó, Tứ Sơn lên kế hoạch chinh phục người tiêu dùng nông thôn với cách làm rất riêng: Siêu thị lưu động. Với diện tích lên đến 1.500m², trưng bày hàng nghìn sản phẩm hàng Việt Nam như điện gia dụng, quần áo may sẵn, thực phẩm, bánh kẹo, đồ dùng gia đình… mô hình siêu thị lưu động của Tứ Sơn mang đến hình ảnh mới lạ, văn minh, hiện đại ngay tại các vùng quê nghèo của các huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, An Phú, Châu Phú, Tịnh Biên… bằng các gian hàng lớn, quầy thu ngân hiện đại và chuyên nghiệp. Mỗi phiên chợ tổ chức trong thời gian từ 3 - 4 ngày đêm, thu hút từ 8.000 - 9.000 khách với doanh số lên đến hàng tỷ đồng. Từ chỗ người dân vùng nông thôn, biên giới chưa hề có ý nghĩ sẽ dùng hàng Việt, doanh thu “khủng” này là minh chứng rõ ràng cho sự thành công trong hành trình chinh phục địa phương biên giới Tây Nam bộ của hàng hóa Việt.
“Cầu nối” giữa DN và người dân
Cách cầu Cá Lóc khoảng 2km, phường 8 (TP. Bến Tre) tấp nập và ồn ã hơn những khu vực khác bởi sự tập trung của 2.300 công nhân Công ty May Việt Hồng. Tuy nhiên, cách đây nhiều năm, nơi đây giống như bao vùng đất khác của miền Tây, cũng hiền hòa yên ả, bà con sống dựa vào sông nước nên thu nhập hạn chế.
Ông Lê Thanh Sơn - Chủ cửa hàng tạp hóa Hai Sơn (P.8, TP. Bến Tre), người đã có 31 năm kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng nhanh tại khu vực - cho hay: Trước đây, sức mua của người dân khu vực phường 8 và vùng lân cận không cao nên DN sản xuất ngại mang hàng hóa về đây bán. Để có thêm thu nhập, đồng thời phục vụ hàng hóa cho người dân, ông chủ cửa hàng tạp hóa Hai Sơn đã nhiều năm ròng tự làm “cầu nối” cho hàng hóa Việt về với khu vực.
Ông chia sẻ, trước đây, khi chưa về hưu, một tuần từ 1 - 2 lần, sau khi hoàn tất công việc cơ quan, ông vượt con đường hơn 10 km bụi mù ngày nắng và trơn nhoẹt ngày mưa đến chợ đầu mối nhập hàng. Có những món hàng chợ đầu mối không có, ông phải chạy xe đến TP. Hồ Chí Minh lấy trực tiếp từ DN sản xuất, hoặc chạy xuồng qua sông Bến Tre lấy từ đại lý. Sợ nhất là những ngày trời mưa, xuồng lênh đênh trên nước, mưa tạt ướt người không lo bằng tạt ướt hàng. Giữa màn đêm đen kịt, trong ánh đèn xuồng đỏ quạch, leo lét giữa màn mưa trắng xóa đất trời, chuyện lấy mình che cho hàng hóa khỏi ướt là bình thường. Cực quá, nhiều lần, mẹ và vợ ông khuyên ông bỏ cuộc. Nhưng khi thấy bà con đến hỏi bịch sữa, thùng mỳ… không có, ông lại tất tả lên đường với mong ước mang hàng hóa có chất lượng, giá cả phải chăng về bán cho bà con. Trời không phụ lòng người, sau hơn 30 năm, từ một cửa hàng mậu dịch lụp xụp của những năm 80, gia đình ông cất được một cửa hàng khang trang, rộng rãi ngay giữa ngã 3 sầm uất của phường 8. Bà con ưa hàng Việt giúp doanh thu tăng lên, ông không còn vất vả đi lấy hàng mà DN sản xuất tự động mang nguồn hàng đến.
Ông Trần Quốc Tuấn - Giám đốc Sở Công Thương Trà Vinh - chia sẻ, những năm gần đây, người dân nông thôn hay thành thị đều rất chuộng hàng Việt, đặc biệt là hàng Việt Nam chất lượng cao. Riêng mặt hàng tiêu dùng, 100% người mua đều tìm đúng hàng Việt mới mua, sử dụng. Tuy nhiên, để có được kết quả đó không hề dễ dàng. Song song với việc tuyên truyền, các DN trên địa bàn tỉnh đã rất nỗ lực tham gia các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn. Dù kinh phí hỗ trợ eo hẹp, đường xá đi lại khó khăn, DN địa phương vẫn tích cực đưa hàng Việt về các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng ven sông. Nhờ đó, tỷ lệ hàng Việt tại tỉnh tương đối cao, kể cả những vùng không phải trung tâm, thành thị.