Đưa hàng Việt về Tây Nam Bộ: Kỳ II - Hàng Việt "bám rễ" miền Tây

Song song với các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn được thực hiện đều đặn, từ năm 2015, các Điểm bán hàng Việt Nam cố định đã được xây dựng thành công tại các địa phương miền Tây Nam bộ. Đây là điểm nhận diện hàng Việt chính hãng cho bà con, giúp tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa Việt.

Điểm bán hàng Việt tại tỉnh Trà Vinh phân phối lượng hàng hóa hữu hiệu

 

iệu quả cao từ các Điểm bán hàng Việt cố định

Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, trong suốt chuyến công tác dọc các tỉnh miền Tây, cho dù tại hệ thống phân phối bán lẻ truyền thống như chợ, cửa hàng tạp hóa hay hệ thống hiện đại như siêu thị, người tiêu dùng rất thích sử dụng hàng Việt. Ông Tạ Minh Sơn – Giám đốc doanh nghiệp (DN) tư nhân Tứ Sơn (TP. Châu Đốc, An Giang) – lý giải, đây không chỉ là thành quả sau 7 năm Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ) triển khai mà tâm lý đó đến từ chính tính cách của người dân vùng sông nước. Hàng hóa có chất lượng, giá hợp lý, chinh phục được lòng tin của người tiêu dùng thì sẽ được ưu tiên sử dụng.

Để định vị cho người tiêu dùng những địa chỉ hàng Việt chính hãng, đồng thời tạo điều kiện cho các DN sản xuất có được những đại lý bán hàng đáng tin cậy, từ năm 2015 đến nay, thực hiện Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ, các địa phương khu vực Tây Nam bộ đã xây dựng nhiều Điểm bán hàng Việt Nam cố định, mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Thanh Sơn – Chủ Cửa hàng tạp hóa Hai Sơn (P.8, TP. Bến Tre) – chia sẻ, lợi ích lớn nhất của việc xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam cố định là rất nhiều DN sản xuất đã chủ động tìm đến cửa hàng để mời chào hàng hóa, đầu tư quầy kệ, hỗ trợ trưng bày sao cho bắt mắt nhất. Việc trưng biển Điểm bán hàng Việt Nam với sự bảo lãnh của Sở Công Thương địa phương cũng giúp người tiêu dùng tin tưởng hơn vào nguồn gốc hàng hóa được bán tại cửa hàng. Ngoài ra, nhờ đặt gần Công ty May Việt Hồng – nơi có 2.300 công nhân với thu nhập ổn định, đây trở thành điểm bán hàng hấp dẫn dành cho công nhân. Doanh thu cửa hàng luôn duy trì ổn định và có xu hướng tăng lên.

Phát huy hiệu quả từ điểm bán này, hiện Sở Công Thương tỉnh Bến Tre đang lên kế hoạch xây dựng 9 Điểm bán hàng Việt Nam trên toàn tỉnh, tập trung tại các khu chợ huyện, vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Tại An Giang, ông Võ Vĩnh Đức – chủ Điểm bán hàng Việt Nam tại Cửa hàng Bách hóa Huy Ngân (số 10B, đường Trường Chinh, phường Long Thạnh, TX. Tân Châu) – chia sẻ, từ ngày xây dựng Điểm bán hàng Việt Nam, hàng hóa được Sở Công Thương hỗ trợ bày lên kệ, ngay ngắn, sạch sẽ, gọn gàng hơn, thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn và giúp người bán quản lý được lượng hàng. Sau khi xây dựng điểm bán, doanh thu cửa hàng tăng đều đặn khoảng 10 – 15%/tháng.

Ông Võ Nguyên Nam – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang – cho biết: Hiện, Sở Công Thương tỉnh đã xây dựng thành công 11 điểm bán hàng Việt tại 11 huyện và thị xã như Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú, Chợ Mới, An Phú, Phú Tân, Tân Châu, góp phần tạo lập hệ thống phân phối hàng Việt Nam ổn định tại các siêu thị, chợ truyền thống.

Phát luồng hàng hóa hiệu quả cho địa phương

Ngoài việc cung cấp hàng hóa Việt chính hãng, có chất lượng cho người tiêu dùng, mục tiêu xây dựng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định là phát luồng hàng hóa địa phương đi các tỉnh, thành phố khác trên cả nước. Mục tiêu này đang được các điểm bán thực hiện khá tốt.

Điểm bán hàng Việt Nam đầu tiên của Trà Vinh đặt tại cửa hàng của Công ty Lương thực Trà Vinh (đường Nguyễn Thiện Thành, phường 5, TP. Trà Vinh) được đánh giá rất cao, bởi đặt cạnh trường Đại học Trà Vinh, trở thành điểm bán hàng cho hơn 20.000 học sinh tại trường. Nhận thấy đây là đối tượng người tiêu dùng trẻ, có khả năng phân phối hàng hóa về các địa phương, ngoài các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như gạo, thực phẩm, văn phòng phẩm… với giá cạnh tranh, điểm bán hàng này còn bày bán nhiều loại đặc sản của Trà Vinh như tôm khô Tiến Hải, củ cải muối Chịt Sa, cơm cháy chà bông Nhật Khánh, bánh tét Trà Cuôn Hai Lý, tàu hủ ky Dũng Linh, bánh trung thu Vĩnh Xương…

Điểm bán hàng Việt Nam tại Siêu thị Tứ Sơn phân phối rau quả sạch đến người tiêu dùng

Lựa chọn này được coi là đúng đắn khi các mặt hàng đang có tốc độ tiêu thụ tương đối khả quan. Em Nguyễn Trần Thanh Hà (sinh viên năm Nhất, Khoa Kinh tế) chia sẻ, xung quanh trường Đại học Trà Vinh có khá nhiều các điểm đại lý nhưng giá bán tại Điểm bán hàng Việt Nam là rẻ nhất. Cho nên, nhiều tháng nay, sinh viên nhà trường chọn đây là điểm mua sắm hàng hóa. Ngoài ra, em còn chọn các loại đặc sản địa phương về làm quà biếu cho gia đình tại An Giang.

Siêu thị Tứ Sơn – Điểm bán hàng Việt Nam cố định đầu tiên tại An Giang – tiếp tục có những bước đi táo bạo khi không những giúp hàng Việt “vượt biên” qua hàng trăm nghìn lượt khách du lịch Campuchia đến với Châu Đốc hàng năm mà còn quyết tâm trở thành điểm phân phối rau, củ, quả an toàn của An Giang đi nhiều địa phương lân cận. Theo đó, từ tháng 7/2016, siêu thị Tứ Sơn đã cho ra mắt quầy bán rau, củ, quả sạch hiện đại trên diện tích 250m2. Nguồn hàng do siêu thị tự trồng tại trang trại khép kín trên diện tích 5.000m2, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. “Ngoài trang trại đầu tiên này, thời gian tới, siêu thị Tứ Sơn quyết tâm mở thêm 3 cơ sở sản xuất rau sạch với diện tích tương đương. Mục tiêu đầu tiên là đủ rau, củ, quả sạch cung ứng cho người dân địa phương, sau đó là đủ cho các địa phương lân cận” – ông Sơn khẳng định.

Rời miền Tây khi những tia nắng cuối ngày dần tắt, mỗi chúng tôi – những người đã có 7 năm đồng hành cùng CVĐ – đều theo đuổi những suy nghĩ rất riêng. Dù rằng mỗi nơi một cách làm nhưng các Điểm bán hàng Việt Nam cố định tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đều khẳng định hiệu quả lớn. Kết quả này giúp tạo đà cho thành công lớn hơn trong thời gian tới, khi mục tiêu của Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với CVĐ là mỗi địa phương xây dựng được ít nhất 1 Điểm bán hàng Việt Nam cố định.

Logo chữ vàng trên nền đỏ – “Điểm bán hàng Việt Nam cố định – Hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vẫn ánh lên trong ánh nắng rực rỡ cuối ngày…

Đến cuối năm 2016, đã có 61 Điểm bán hàng Việt Nam được xây dựng thành công trên cả nước. Không chỉ là điểm phân phối hàng Việt hữu hiệu, những điểm bán hàng này còn khẳng định vai trò là kênh phát luồng hàng hóa hiệu quả, đưa đặc sản các địa phương lan tỏa đến người tiêu dùng cả nước.
Bình luận của bạn