Dùng hàng Việt-Lợi ích đa chiều

Sử dụng hàng Việt Nam nói chung và hàng hóa của các doanh nghiệp trong hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam nói riêng đã mang lại nhiều lợi ích lớn cho Công ty TNHH Khoáng sản và luyện kim Việt Trung (VTM).

Hưởng ứng qua từng hành động cụ thể

Ông Bùi Thanh Bình- Tổng giám đốc VTM- chia sẻ, nhận thức được ý nghĩa quan trọng của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (CVĐ), những năm qua, lãnh đạo VTM đã tích cực, chủ động trong công tác điều hành, chỉ đạo hưởng ứng CVĐ bằng những hành động thiết thực. Cụ thể, VTM đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức đến tất cả CBCNV, các doanh nghiệp trực thuộc về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc sử dụng các sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất và cung ứng.

Không dừng ở lý thuyết, khi mua sắm trang bị tài sản, VTM đều yêu cầu dùng hàng Việt Nam bảo đảm chất lượng. Trong xây dựng cơ bản, VTM cũng ưu tiên sử dụng vật liệu (xi măng, gạch…), thiết bị của nội bộ tổng công ty hoặc địa phương và doanh nghiệp trong nước.

Đặc biệt, trong sản xuất, VTM luôn đẩy mạnh nguyên tắc ưu tiên sử dụng nguyên- nhiên vật liệu trong nước thay thế hàng nhập khẩu cùng loại với chất lượng tương đương và giá cả cạnh tranh, tiến tới ngừng nhập khẩu nếu hàng trong nước đáp ứng được yêu cầu. Tiêu biểu như, VTM mua than cám từ đơn vị cung cấp ở Quảng Ninh, quặng manheti tại Lào Cai, dùng 100% quặng Quý Xa do VTM sản xuất... Theo hợp đồng liên doanh với đối tác, VTM sẽ nhập khẩu than coke đối lưu với quặng sắt Quý Xa; chủ động tìm kiếm các nguồn cung cấp than coke trong nước của Tập đoàn Hòa Phát để phục vụ sản xuất. Để mở rộng kênh phân phối, VTM phối hợp với các doanh nghiệp trong hệ thống Tổng công ty Thép Việt Nam- CTCP đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của VTM.

Nhiều lợi ích thiết thực

Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, ông Bình đánh giá, CVĐ đã giúp các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm rộng rãi trên cả nước, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, CVĐ còn góp phần quan trọng giúp người tiêu dùng nhận thức đúng đắn hơn về thị trường hàng hóa nội địa, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. CVĐ đã có sức lan tỏa mạnh mẽ, tác động không nhỏ làm thay đổi dần hành vi, thói quen, văn hóa tiêu dùng của người dân.

Tuy nhiên, ông Bình cho rằng, quá trình thực hiện CVĐ vẫn còn một số khó khăn. Hàng sản xuất trong nước đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, việc xây dựng và phát triển, mở rộng hệ thống phân phối đòi hỏi phải có chiến lược bài bản và vốn đầu tư lớn, điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam trong việc xúc tiến mở rộng thị trường.

Bên cạnh đó, một số cơ quan quản lý nhà nước chưa thực sự vào cuộc, dẫn đến kết quả triển khai CVĐ chưa đạt hiệu quả cao, chưa thực sự đột phá. Hơn nữa, vẫn còn một bộ phận người dân sính hàng ngoại, hàng nhập khẩu.Tại một số địa phương, hoạt động triển khai CVĐ vẫn còn mang tính riêng lẻ, độc lập, thiếu gắn kết, nên không phát huy hết sức mạnh của các địa phương lân cận. Các doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm, kỹ năng bán hàng, đặc biệt là kỹ năng chăm sóc khách hàng, kinh nghiệm thực hiện xúc tiến thương mại nên hiệu quả chưa cao…

Sản phẩm sản xuất chính của VTM gồm: Phôi thép, gang luyện thép và quặng sắt. Tuy nhiên, khâu tiêu thụ còn khá khiêm tốn do ảnh hưởng mạnh bởi nguồn phôi nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc. Điều này dẫn đến việc hưởng ứng CVĐ chưa phát huy được ý nghĩa và đạt hiệu quả như kỳ vọng - ông Bình phân tích.

Cần sự chung tay của nhà nước

Để CVĐ những năm tiếp theo phát huy được hiệu quả và đi vào chiều sâu, theo ông Bình, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Nâng cao nhận thức của cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị- xã hội và người tiêu dùng về việc tham gia CVĐ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia. Đặc biệt, các doanh nghiệp phải nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, giảm giá thành và cung cấp thông tin giúp khách hàng phân biệt được hàng chính với hàng nhái, hàng giả; tăng cường độ an toàn trong sử dụng sản phẩm...

Nhiều năm hưởng ứng VCĐ, VTM đã không ngừng nghiên cứu, đưa ra các giải pháp trong sản xuất, tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, giá thành hạ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng, tạo sức cạnh tranh của hàng hóa; thực hiện bảo vệ quyền lợi khách hàng; nghiên cứu đổi mới phương thức bán hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ sau bán hàng… Để việc triển khai CVĐ đạt hiệu quả cao, Tổng giám đốc VTM đề nghị: Nhà nước cần có biện pháp tăng cường quản lý, loại bỏ những hành vi gian lận thương mại trong việc nhập khẩu phôi thép, hạn chế nhập khẩu, bãi bỏ hoàn thuế nhập khẩu và các tiểu xảo đưa boron, crom… vào sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam. Bộ Công Thương có các giải pháp về chống bán phá giá và phòng vệ thương mại các sản phẩm thép. Chính phủ có chính sách ưu tiên, ưu đãi đối với quặng sắt, điều chỉnh giảm các khoản thu so với các loại quặng sắt khác (đặc biệt là quặng Quý Xa do có độ ẩm cao và phần lớn quặng phục vụ chế biến sâu trong nước).

Bình luận của bạn