Gà Việt Nam sẽ được xuất khẩu sang Nhật
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, ngành gia cầm đang hướng đến việc xuất khẩu thịt gà, trước mắt là thí điểm sang thị trường Nhật.
Dịch cúm gia cầm là một trong những nguyên nhân khiến giá gia cầm giảm sâu, gây thua lỗ cho người nuôi. Tuy nhiên, các cơ quan quản lý khuyến cáo người tiêu dùng không nên quá hoang mang, cần chọn gia cầm rõ nguồn gốc, “ăn chín, uống sôi” là đảm bảo an toàn.
Theo Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, tại khu vực Đông Nam bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, giá thịt gà công nghiệp lông trắng chỉ 18.000-19.000 đồng/kg, người nuôi lỗ 1.000-2.000 đồng/kg. Có một số hộ, do gà quá lứa phải bán tháo với giá rất thấp, nên lỗ nặng hơn. Về thịt nhập khẩu, trong tháng 1 cả nước chỉ nhập khoảng 7.000 tấn, so với tháng 12/2016 đã giảm 30%, còn so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tới 44%. Giá thịt nhập khẩu chỉ khoảng 0,87 USD/kg.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, người chăn nuôi đang bị lỗ, do nhu cầu thịt gà sau Tết ít hơn, nguồn cung lớn, nên mất cân đối. Cùng đó, do thông tin dịch bệnh, nên người tiêu dùng cũng e ngại ăn thịt gà.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, khâu thông tin, tuyên truyền cần thận trọng hơn, vì nếu thái quá, không khéo làm người tiêu dùng tẩy chay thịt gia cầm trong nước. “Nếu cứ bảo người dân không dùng hàng tươi sống, nên dùng đông lạnh, vô tình lại khuyến khích tiêu dùng hàng nhập khẩu”- ông Trọng nói.
Trong khi đó, theo ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT), bà con chưa quen tiêu dùng gia cầm qua kiểm soát giết mổ (có đóng dấu kiểm dịch). Với gà nuôi ở cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, được giết mổ ở cơ sở giết mổ tập trung, có kiểm soát thú y, bà con có thể yên tâm sử dụng.
“Khi thấy cúm, bà con sợ, không dám ăn, làm cho giá giảm. Khi không có dịch, lại có lúc chủ quan, ăn tiết canh nhiều. Món này cả ngành thú y và y tế đều không khuyến khích”- ông Thành nói.
Lãnh đạo Cục Thú y cũng khuyến cáo người tiêu dùng không nên ham rẻ mà mua thịt gà nguồn gốc không rõ ràng, dễ mang mầm dịch. Ngoài ra, khi có gia cầm chết, bà con không nên vứt bừa bãi vì sẽ bị xử phạt. Khi có gia cầm chết, có thể báo với cơ quan thú y để được hỗ trợ tiêu hủy, phun tiêu độc, khử trùng.
Tuy nhiên, theo ông Trọng, để người tiêu dùng xác định con gà có nguồn gốc hay không, đặc biệt là chợ vùng nông thôn, là rất khó. Vì thế, nên chỉ khuyến cáo ở vùng có dịch cúm do cơ quan thú y công bố, còn ngoài vùng đó vẫn có thể sử dụng thịt gia cầm
bình thường.
Theo lãnh đạo Cục Chăn nuôi, với người nuôi, những lúc tăng giá cần tính toán, không nên vào đàn ồ ạt. Khi giá giảm, cũng không nên “treo” chuồng vì sẽ tạo ra thiếu hụt nguồn cung sau khi hết chu kỳ nuôi.
Về lâu dài, phải xác định là chăn nuôi theo chuỗi liên kết, có đảm bảo đầu ra. Cả nước hiện có tới 4 triệu hộ chăn nuôi lợn, 8 triệu hộ nuôi gia cầm, trong đó hộ nuôi tự phát rất nhiều, khi không tiên liệu được thị trường, cung và cầu không gặp nhau có thể dẫn đến dư thừa, và người nuôi chịu thua thiệt.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cũng cho biết, ngành gia cầm đang hướng đến việc xuất khẩu thịt gà, trước mắt là thí điểm sang thị trường Nhật. Vừa rồi, một công ty của Nhật đã làm việc với Đồng Nai về vấn đề trên. Nếu thuận lợi, dự kiến trong năm 2017, lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam sẽ xuất khẩu chính ngạch sang thị trường khó tính như Nhật Bản.