Gà Việt xuất ngoại
Sau nhiều năm gặp khó và thịt gà nhập khẩu, thịt gà của VN sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào tuần tới và tiếp theo sẽ là thị trường châu Âu.
Ảnh minh họa
Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị xúc tiến xuất khẩu sản phẩm gia cầm VN do Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ tổ chức ngày 1-7 ở TP.HCM.
Cũng tại hội nghị, Tổ chức IFC (thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới), Công ty Bel Gà (Bỉ), De Heus (Hà Lan) và các trang trại tại VN đã ký kết thực hiện dự án chăn nuôi và chế biến thịt gà xuất khẩu.
Gà Việt đi Nhật
Sau khi được phía Nhật Bản đồng ý nhập khẩu thịt gà qua chế biến vào ngày 22-6, Công ty TNHH Koyu & Unitek (Đồng Nai) đang khẩn trương chuẩn bị lô hàng thịt gà đầu tiên vào Nhật trong tuần tới. Ông Khưu Nhơn Hiếu, tổng giám đốc Koyu & Unitek, cho hay để có thể xuất khẩu đơn hàng đầu tiên này, công ty phải chuẩn bị cùng với các đối tác trong gần ba năm qua.
Toàn bộ quy trình chăm sóc từ gà giống, thức ăn chăn nuôi đến quy trình kiểm soát dịch bệnh đều phải tuân thủ chặt chẽ những yêu cầu mà phía Nhật Bản đưa ra. “Sau đơn hàng đầu tiên xuất khẩu thử nghiệm với số lượng vừa phải, chúng tôi sẽ xuất khẩu số lượng lớn và đều đặn hơn kể từ tháng 8” - ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu khẳng định đơn đặt hàng từ các đối tác của Nhật chuyển sang rất nhiều, nhưng công ty chưa đáp ứng đủ. Nếu kết quả xuất khẩu thuận lợi, công ty sẽ tiếp tục mở rộng quy mô của nhà máy và hợp tác thêm với nhiều trang trại để mở rộng chuỗi cung ứng thịt gà cho thị trường Nhật Bản.
Theo Bộ NN&PTNT, Koyu & Unitek là đơn vị đầu tiên của VN có được giấy phép xuất khẩu thịt gà vào Nhật Bản cũng như xuất khẩu chính ngạch thịt gà VN ra thị trường thế giới.
Điều đó cho thấy trình độ chăn nuôi, quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm của VN đã có sự tiến bộ mạnh mẽ thời gian qua. Ngoài doanh nghiệp (DN) này, đã có thêm một số DN đăng ký tham gia chương trình xuất khẩu thịt gà.
Ông Gabor Fluit, tổng giám đốc De Heus châu Á, cho biết riêng thị trường Nhật Bản nhập khẩu gần 1 triệu tấn thịt gia cầm/năm, trong đó Brazil là nước cung cấp lớn nhất (420.000 tấn năm 2016), tiếp đến là Thái Lan (320.000 tấn) và Trung Quốc (165.000 tấn).
Trong khi đó, giai đoạn đầu Koyu & Unitek xuất khẩu sang Nhật khoảng 300 tấn mỗi tháng, dư địa còn rất nhiều cho các đơn vị khác tham gia xuất khẩu sang thị trường này.
Tiềm năng rộng mở
Tuy nhiên, theo ông Gabor, không chỉ có Nhật Bản, nhiều thị trường khác cũng có nhu cầu nhập khẩu thịt gà từ VN như EU, Ả Rập. “Đã có nhiều đơn vị ở châu Âu liên hệ với chúng tôi để nhập khẩu thịt gà VN” - ông Gabor nói.
Một DN cũng cho rằng các trang trại tham gia chuỗi thực phẩm an toàn của một số DN chăn nuôi trong nước hiện có giá thành ngang bằng Thái Lan, nên không có lý do gì VN lại không thể xuất khẩu được thịt gà, trong khi Thái Lan xuất khẩu gần 700.000 tấn thịt gà ra thế giới trong năm 2016.
Dù vậy, theo ông Kay Vreese - tổng giám đốc Công ty cổ phần Bel Gà, chỉ có liên kết cùng chia sẻ lợi ích với nhau mới tạo ra những sản phẩm chăn nuôi vừa có chất lượng cao nhưng giá thành hợp lý để cung cấp cho thị trường trong nước và tiến tới xuất khẩu.
“Chúng tôi đang áp dụng công nghệ quản lý chất lượng châu Âu theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong toàn chuỗi, sản phẩm thịt gà của VN đang có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu ra thế giới chứ không chỉ có thị trường Nhật Bản” - ông Kay Vreese nói.
Là chủ một trong những trang trại tham gia chuỗi thực phẩm an toàn định hướng xuất khẩu, ông Nguyễn Văn Ngọc (Vĩnh Cửu, Đồng Nai) cho biết dù đã có thâm niên hơn 20 năm nuôi gà công nghiệp nhưng vẫn phải thay đổi nhiều cho phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.
Theo đó, không chỉ yêu cầu về chuồng trại, con giống rõ nguồn gốc, thức ăn đạt chuẩn và quy trình kiểm soát dịch bệnh, nuôi gà theo chuẩn toàn cầu còn phải để ý đến cả yêu cầu về phúc lợi động vật mà các quốc gia tiên tiến đưa ra.
Dù phải thay đổi nhiều nhưng các chủ trang trại đều cho biết sẵn sàng tham gia chuỗi thực phẩm xuất khẩu, bởi đây là cơ hội thay đổi nhằm cạnh tranh với gà nhập khẩu, xuất khẩu thịt gà trong nước.
“Tham gia chuỗi sản xuất thực phẩm này giúp các chủ trang trại như chúng tôi yên tâm tập trung vào chăn nuôi. Các vấn đề khác như con giống, thức ăn, thú y, giết mổ, chế biến và xuất khẩu đã có các đối tác trong chuỗi lo. Mọi công việc từ hoạch định kế hoạch kinh doanh đã được các bên thống nhất ngay từ khi thả gà con, nên không lo lắng về đầu ra nữa” - ông Ngọc cho hay.
* Ông Vũ Văn Tám (thứ trưởng Bộ NN&PTNT): Cơ hội tốt Đây là thời điểm để các nhà sản xuất tính đến chuyện nâng cao chất lượng và xuất khẩu thịt ra thế giới, bởi ngành chăn nuôi VN đã thừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các biện pháp quản lý an toàn dịch bệnh, đàm phán với các đối tác đã ký hiệp định thương mại tự do với VN về mở cửa thị trường thịt gà và thịt heo. Có thể nói rào cản về xuất khẩu thịt đã và đang được tháo gỡ, vấn đề còn lại là các DN tổ chức sản xuất và chế biến đảm bảo yêu cầu của khách hàng. |
Đã có trên 400 vùng an toàn dịch bệnh Ông Bạch Đức Lữu, giám đốc Cơ quan Thú y vùng 6 (Cục Thú y), cho biết sau thịt gà, một số công ty đang đề nghị với Bộ NN&PTNT về chương trình xuất khẩu thịt heo. Vấn đề đầu tiên của xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi chính là an toàn dịch bệnh. Cơ quan Thú y vùng 6 đã tổ chức và chứng nhận cho hơn 400 vùng chăn nuôi heo an toàn dịch bệnh tại khu vực phía Nam. Do đó nếu các doanh nghiệp quyết tâm thực hiện, việc xuất khẩu thịt heo của VN cũng sẽ trở thành hiện thực trong thời gian tới. |