Ghi nhãn hàng hóa - tạo 'chỗ đứng' cho hàng Việt
Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam" nhằm tạo hành lang pháp lý phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, khẳng định chất lượng, tạo "chỗ đứng" hàng Việt trên thị trường.
Hiện tượng gian lận nhãn xuất xứ hàng hóa gia tăng
Đánh giá về chất lượng hàng hóa "made in Viet Nam" trong thời gian qua, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết đã có rất nhiều sản phẩm, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam khẳng định được chất lượng cao, ổn định và đáng tin cậy tại thị trường trong nước.
Thực tế cho thấy, một số hàng hóa Việt như nông sản, dệt may, da giày, đồ gia dụng… đã có "tên tuổi" và sức cạnh tranh trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Ngay cả một số thị trường xuất khẩu khó tính với sự đòi hỏi chất lượng cao như EU, Nhật Bản… sản phẩm Việt cũng đã tạo được uy tín.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Có nhiều trường hợp hàng hóa được sản xuất nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công tại nước ngoài nhưng lại gắn mác là hàng “Made in Viet Nam” để gian lận thương mại, đánh lừa người tiêu dùng.
"Có trường hợp thương nhân không cố tình gian lận, nhưng quan niệm của thương nhân về vấn đề này còn đơn giản, không nhận thức hết những ảnh hưởng to lớn đối với nền sản xuất quốc gia" - Cục Xuất nhập khẩu cho hay.
Bên cạnh đó, hàng hóa nước ngoài có xu hướng mượn xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi “miễn phí” và bất hợp pháp từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam tham gia hoặc sử dụng xuất xứ hàng hóa làm phương tiện lẩn tránh các biện pháp phòng vệ thương mại của nước nhập khẩu.
Hơn nữa, Việt Nam chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, nên người tiêu dùng trong nước không có căn cứ để phân biệt thế nào là hàng “Made in Viet Nam” và đang sử dụng hàng “Made in Viet Nam” trên cơ sở tự nhận biết hoặc tin tưởng vào những nhãn hàng không được kiểm chứng.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không những gây hậu quả trực tiếp đến sản phẩm cụ thể, ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động không nhỏ đến ngành hàng trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất
Hiện nay trên thế giới, các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Ví dụ quy định của Thụy Sỹ đối với đồng hồ, quy định của Hoa Kỳ đối với ô tô, hàng dệt may và len, quy định của New Zealand đối với rượu vang...
"Nhiều nước cho phép áp dụng việc ghi nhãn trên cơ sở tự nguyện đối với hàng sản xuất và tiêu thụ trong nước. Một khi hàng hóa đã ghi nhãn nước sản xuất thì bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và điều kiện theo quy định" - Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Đặc biệt, các nước trên thế giới quy định về chế tài xử phạt rất chặt chẽ và có sức răn đe lớn, xử phạt rất nặng đối với cá nhân, tổ chức cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa. Ví dụ, theo quy định của Ý, tổ chức, cá nhân gắn nhãn “Made in Italy” vào sản phẩm đồ da không đáp ứng tiêu chí “Made in Italy” có thể phải nộp phạt tới 100.000 Euro. Tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu Đôla Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm...
Tuy nhiên, hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam. Các quy định hiện hành dù đang được hoàn thiện để phù hợp với thực tế sản xuất và kinh doanh hàng hóa tại Việt Nam nhưng phạm vi điều chỉnh chủ yếu là nhãn hàng hóa, chỉ dẫn địa lý và thương hiệu.
"Hiện nước ta chỉ tập trung vào quy định về yêu cầu ghi nhãn hàng hóa, bảo hộ chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu Việt Nam... mà chưa có bộ tiêu chí để xác định như thế nào là hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam" - Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Trước thực tế đó, thời gian vừa qua, Bộ Công thương đã thống nhất với các bộ, ngành chức năng quy định việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.
"Sau một khoảng thời gian thực hiện, khi quy định ghi nhãn hàng hóa sản xuất đã dần được hình thành trong nhận thức xã hội, vừa góp phần bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, vừa bảo hộ ngành sản xuất và xây dựng thương hiệu như thực phẩm, dệt may, giày dép..." - Cục Xuất nhập khẩu đánh giá.
Việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa, khẳng định chất lượng, chỗ đứng trong lòng người tiêu dùng Việt Nam và thế giới. Do đó, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế pháp lý về ghi nhãn sản xuất "Made in Viet Nam", nhất là khi một loạt các FTA vừa có hiệu lực thi hành./.