Giải pháp nâng tầm gạo Việt

Xuất khẩu (XK) gạo của Việt Nam hiện đang bị cạnh tranh gay gắt với các nước XK gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ… Do vậy, cần nâng tầm ngành lúa gạo thông qua các chính sách thương mại, đầu tư và thương hiệu.

Xuất khẩu gạo bị cạnh tranh gay gắt

Chia sẻ tại hội thảo "Ngành hàng lúa gạo - nâng tầm ngành lúa gạo thông qua chính sách thương mại, đầu tư và thương hiệu" vừa được tổ chức tại Hà Nội, bà Phạm Thị Kim Dung - Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn - cho biết, hoạt động XK gạo của nước ta đang bị thắt lại với khoảng hơn 100 nhà XK, trong đó chỉ có 22 nhà XK được phép xuất sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, thị phần gạo Việt Nam trên thị trường thế giới có khuynh hướng giảm so với mức tăng nhẹ của hạt điều, sắn, tiêu trong những năm gần đây.

Theo nhận định của các chuyên gia, XK gạo của Việt Nam không chỉ bị cạnh tranh gay gắt từ các nước XK gạo lớn trên thế giới như Thái Lan, Ấn Độ mà cả từ những nước mới tham gia XK gạo như Campuchia, Myanmar. Đồng thời, các nước nhập khẩu (NK) gạo truyền thống của Việt Nam cũng đang áp dụng chính sách hạn chế NK gạo. Cụ thể, Trung Quốc tăng cường siết chặt NK gạo qua đường biên giới và áp dụng tiêu chuẩn chất lượng nghiêm ngặt, trong khi Philippines cố gắng để tự bảo đảm an ninh lương thực.

Theo ông Phạm Quang Diệu - Công ty Phân tích và dự báo thị trường Việt Nam, Việt Nam vẫn là nguồn cung gạo quan trọng nhất của Trung Quốc; tuy nhiên, Trung Quốc ngày càng đa dạng hóa nguồn NK mặt hàng này. Năm 2016, Trung Quốc đã NK gạo nhiều hơn từ Thái Lan. Đồng thời, việc XK gạo tiểu ngạch cũng đang bị siết chặt. “Vành đai thương mại gạo của Trung Quốc là một trong những nhân tố rủi ro cho XK gạo Việt Nam” - ông Phạm Quang Diệu nói.

Chính sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu cánh đồng mẫu lớn, cùng với việc Việt Nam đang sử dụng quá nhiều giống lúa với chất lượng hạt khác biệt, dẫn đến không đồng nhất về chất lượng, không thể xác định nguồn gốc khiến XK gạo gặp khó. Bên cạnh đó, mức độ cơ giới hóa trong công đoạn sau thu hoạch còn thấp, khiến chất lượng gạo XK không cao, giá thành sản xuất và tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch cao. Ngoài ra, quy trình ngược đi từ chế biến gạo XK dựa trên dự trữ gạo nguyên liệu, sau đó phối trộn, lau bóng, sấy và phân cấp theo hợp đồng XK cũng dẫn đến chất lượng gạo thấp; tỷ lệ hao hụt và hư hỏng cao.

Nhiều giải pháp đề ra

Để nâng tầm ngành lúa gạo, bà Phạm Thị Kim Dung cho rằng, Việt Nam cần tăng cường hợp nhất, tập trung hóa ngành, đặc biệt là khâu trung gian thương mại và chế biến. Tiếp tục chú trọng XK, đồng thời không bỏ lỡ cơ hội mới trên thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cần theo dõi sát sao thị trường Trung Quốc để chủ động trước các biến động khó lường. Cần phải duy trì quan hệ thương mại với các thị trường truyền thống, vẫn còn dư địa như Philippines, Bangladesh. Đặc biệt, phải khơi thông phát triển thị trường mới, có tiềm năng tại châu Phi, châu Âu; tìm hiểu và thâm nhập vào thị trường Trung Đông và Mỹ Latinh để mở rộng XK.

Bàn về các giải pháp nâng tầm XK gạo, ông Lý Thái Hưng - Tổng giám đốc Công ty Hưng Cúc - cho rằng, trước hết, phải bắt đầu từ nguồn giống và các nhà nghiên cứu khoa học. Đồng quan điểm, ông Hồ Quang Cua - Phó Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Sóc Trăng - kiến nghị, trước mắt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cần sớm tiếp tục công nhận giống lúa thơm để có nhiều giống tốt cho sản xuất. Mặt khác, cần ban hành quy chuẩn lúa thơm cũng như kiểm tra việc thực hiện để phát triển sản xuất, lai tạo và XK mặt hàng này.

Bình luận của bạn