Giải pháp tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước

Ngày 28/8, tại Hạ Long (Quảng Ninh) đã diễn ra hội nghị tuyên truyền, phổ biến mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam và bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước.

Ngày 28/8, tại thành phố Hạ Long (Quảng Ninh), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến mô hình cung ứng hàng hóa thiết yếu Việt Nam tại khu chế xuất, khu công nghiệp và bàn giải pháp đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt tại thị trường trong nước. 

Khoảng 300 đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc và một số doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất hàng Việt Nam tham dự hội nghị. 

Tại hội nghị, các đại biểu chia sẻ, phổ biến hoạt động hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” hướng tới đối tượng công nhân, người lao động; bàn giải pháp thúc đẩy hoạt động cung ứng hàng Việt Nam tại khu công nghiệp, khu chế xuất như tổ chức các mô hình phúc lợi cho công nhân, công đoàn viên, điển hình như hợp tác xã phúc lợi, tổ chức bán hàng lưu động và cố định tại khu chế xuất, khu công nghiệp, hay siêu thị công đoàn, đưa đón người lao động tham gia sự kiện và mua hàng tại hệ thống cửa hàng của doanh nghiệp, phát hành các phiếu giảm giá… 

Ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, việc triển khai các phiên chợ hàng Việt, chuyển hàng lưu động về phục vụ người lao động làm việc tại khu chế xuất, khu công nghiệp đạt hiệu quả cao khi lực lượng công nhân đang lao động tại đây lên đến hơn 4 triệu người, chiếm tỷ lệ cao trong lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước. 

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, việc bán hàng theo mô hình này tạo cơ hội cho công nhân tiếp cận hàng Việt với giá cả phù hợp, chất lượng đảm bảo, đồng thời giúp doanh nghiệp nắm bắt tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của người lao động, thay đổi mẫu mã, sản phẩm phù hợp, thay đổi định hướng kinh doanh, duy trì đà tăng trưởng, chiếm lĩnh thị trường nội địa trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. 

Ông Trần Văn Thuật, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, để thúc đẩy tiêu thụ hàng Việt Nam tại thị trường trong nước, các cấp công đoàn cần chủ động tham gia với chuyên môn đồng cấp trong việc mua sắm, thay thế các trang thiết bị máy móc, vật tư, nguyên nhiên liệu, vật liệu sản xuất trong nước có khả năng đáp ứng nhu cầu sản xuất của doanh nghiệp nhằm thay thế hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, ưu tiên hàng Việt Nam. 

Theo ông Trần Văn Thuật, thời gian tới, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã có quyết định đầu tư 12 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp trong cả nước trong năm 2018, phấn đấu đến năm 2020 sẽ có 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp đi vào hoạt động và đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp đều có thiết chế của công đoàn. 

Các thiết chế công đoàn đều sử dụng nguyên, vật liệu, trang thiết bị đều là các sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất./. 
 

Bình luận của bạn