Gian nan xác lập chỗ đứng cho hàng Việt
Xuất thô, xuất qua trung gian, không có thương hiệu nào được trưng bày ở các siêu thị nước ngoài là thực tế đang diễn ra của hàng hóa Việt Nam khi XK ra nước ngoài. Nếu vẫn giữ cách làm này thì hàng Việt khó có chỗ đứng.
Thất thế
Hàng XK của Việt Nam từ "nhỏ lẻ" vài tỷ USD đã vươn lên cả trăm tỷ USD trong vài năm trở lại đây, trong đó có nhiều mặt hàng XK đứng nhất nhì thế giới như gạo, hạt tiêu, cà phê… Tuy nhiên, dù XK nhiều nhưng trên thị trường thế giới, hàng hóa của Việt Nam rất ít được biết đến, có chăng thì cũng chỉ là đồng thương hiệu. Nguyên nhân là do chúng ta XK chủ yếu qua trung gian, dẫn tới hàng hóa Việt Nam không có thương hiệu.
Ví dụ như mặt hàng cà phê, ít nhất 50% cà phê capuchino có xuất xứ cà phê Việt Nam nhưng không bao giờ có nhãn hiệu Việt Nam. Hay mặt hàng dệt may, da giày, đồ gỗ và nhiều mặt hàng khác cũng tương tự như vậy. Còn phía DN thậm chí không biết hàng của mình XK đi đâu. Có những DN sau khi ký hợp đồng xong mới lờ mờ biết hàng được XK đi Mỹ, EU…
Theo ông Đặng Hoàng Hải, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương), bất cập của hình thức XK qua trung gian đó là các mặt hàng mất dần chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Bởi lẽ, khi XK qua trung gian chúng ta không biết nhu cầu của người tiêu dùng như thế nào, các đại lý cũng không hề chia sẻ với chúng ta thị hiếu cũng như sở thích của người tiêu dùng. Hơn nữa, do bán qua nhiều tầng nấc nên thông tin đến với DN sản xuất nhiều khi sai lệch.
Đơn cử như mặt hàng khay đựng bánh mỳ đan mây XK sang Nga, trước đây chúng ta làm rất to nhưng sau này thói quen ăn bánh mỳ giảm nên khay bánh mỳ không cần to mà cần nhỏ hơn, kiểu dáng đẹp hơn. “Chính vì vậy, hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam không bán được. Nếu chúng ta không tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng thì hàng Việt Nam khó cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài”, ông Hải khẳng định.
Không cạnh tranh được trên thị trường nước ngoài đã đành, việc XK qua trung gian còn khiến cho hàng hóa Việt Nam bị ép giá. Trong khi đó, hiện DN Việt Nam có tư tưởng giá nào cũng bán và bán bằng mọi giá. Tư tưởng này sẽ tạo nên hệ quả DN không đầu tư lâu dài cho sản xuất, thậm chí còn “làm bậy”. Ví dụ như việc bơm tạp chất vào con tôm. Khi đó, DN không chỉ chịu thiệt hại vì hàng bị trả về mà quan trọng hơn là hình ảnh của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, uy tín hàng Việt bị nghi ngờ. “Rõ ràng nếu không duy trì được thương hiệu, giảm bớt trung gian thì hàng XK càng thất thế”, ông Hải nói.
Xây kho ngoại quan
Để giải quyết những bất cập nêu trên, giải pháp được cho là hữu hiệu nhất lúc này là XK trực tiếp vào các hệ thống phân phối nước ngoài. Đây không phải là ý tưởng mới bởi trước đó Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Thúc đẩy DN Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020. Song làm thế nào để thực hiện mục tiêu phấn đấu hàng hóa Việt Nam được XK trực tiếp vào tất cả hệ thống phân phối lớn tại các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Việt Nam ở châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Nam Á và Đông Bắc Á của Đề án mới là điều đáng bàn.
Để đạt được mục tiêu này, theo ông Hải, một trong những hoạt động quan trọng là tăng cường tiếp xúc trực tiếp giữa DN XK Việt Nam với khối thu mua của hệ thống phân phối nước ngoài vì quan hệ kinh tế thực chất là quan hệ con người với con người. Nếu bộ phận mua hàng ở nước ngoài có mối quan hệ với nhà sản xuất, XK của Việt Nam thì mối quan hệ đó nhất định thành công.
Với một số người đã từng làm tham tán thương mại tại các thị trường thì việc tiếp cận với hệ thống phân phối nước ngoài không hề dễ dàng. Ông Phạm Quang Niệm, Tham tán thương mại Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã chủ động tiếp cận tập đoàn phân phối lớn nhất Nga X5 Retail Group nhưng số lượng DN Việt Nam tiếp cận với X5 còn hạn chế, lượng hàng tiếp cận với hệ thống còn ít. Thời gian tới, ngoài cố gắng của Tham tán, Vụ Thị trường châu Âu cần có sự kết hợp với Vụ Thị trường trong nước và các DN, để các DN tiếp cận được thực sự với hệ thống bán lẻ này. Đây là con đường XK ngắn nhất và hiệu quả nhất”.
Còn theo Tham tán công sứ Việt Nam tại Nhật Bản ông Nguyễn Trung Dũng, việc đưa hàng Việt Nam vào các siêu thị cần bắt đầu từ hàng mẫu, từ quảng bá, chứ không đưa lô hàng lớn và cần chú trọng tổ chức Tuần hàng Việt Nam tại các nước. Ví dụ như quả xoài Việt Nam vào Nhật Bản rất thành công xuất phát từ việc các tham tán quảng bá thông qua Tuần hàng Việt Nam tại Nhật Bản, sau đó các siêu thị ở Nhật Bản đã đến đặt mua hàng.
Một điểm đáng chú ý hơn được nhiều ý kiến thống nhất đó là việc lập kho ngoại quan ở nước ngoài. “Nếu muốn bán với khối lượng lớn vào các chuỗi siêu thị nước ngoài thì dứt khoát chúng ta phải có kho ngoại quan, nhất là với hàng nông sản, hàng đông lạnh..., khi đó chúng ta mới chủ động nguồn hàng”, ông Hải quả quyết.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, dự kiến kho ngoại quan đầu tiên sẽ được xây dựng ở Nga vì có lợi thế đất đai, đồng thời cộng đồng người Việt ở Moscow khá mạnh sẽ làm đòn bẩy cho tất cả các kho ngoại quan ở các thị trường nước ngoài khác. Ông Niệm đề nghị thêm, nên đầu tư vào khu công nghiệp đã có sẵn để xây dựng kho ngoại quan, hỗ trợ DN XK.