Giày dép Việt chinh phục người tiêu dùng Việt
Cơn sốt giày dép Biti’s chưa hạ nhiệt từ đầu năm đến nay được coi là một trong những bài học lớn của việc một thương hiệu Việt tưởng chừng bị lãng quên quay lại “đường đua” chinh phục người tiêu dùng một cách ấn tượng.
Cơn sốt Biti’s
Biti’s là một trong số ít thương hiệu chiếm trọn niềm tin yêu của người Việt. Thời kỳ đầu xuất hiện trên thị trường, xăng đan Biti’s đã là một phần không thể thiếu trong mọi gia đình do chất liệu bền, giá phải chăng và thị trường ít sự lựa chọn. Biti’s gắn với kỷ niệm của người Việt - một yếu tố truyền thông quá tốt mà chỉ có những thương hiệu nội địa lâu đời mới có được. Tuy vậy, một thời gian dài, Biti’s dường như biến mất trên thị trường. Phải đến năm 2016, thương hiệu nội địa này mới bất ngờ trở lại với một chiến dịch truyền thông rầm rộ cho sản phẩm mới là Biti's Hunter.
Sản phẩm mới này thực sự mang lại ấn tượng tốt cho người tiêu dùng bởi chất lượng tốt, giá cả ổn định, có sức cạnh tranh cao, mẫu mã đẹp. Thành công của Biti’s cũng cho thấy, giày dép Việt nói riêng và hàng Việt Nam nói chung hoàn toàn có khả năng chinh phục người tiêu dùng nội địa.
Giải pháp chinh phục thị trường nội địa
Làm sao để giày dép Việt chinh phục được người tiêu dùng Việt là câu hỏi không mới. Theo các chuyên gia, khả năng chiếm lĩnh thị trường của giày dép Việt là không nhỏ, bởi Việt Nam là nước đứng thứ ba thế giới về xuất khẩu giày dép (sau Trung Quốc và Ý, xét trên yếu tố giá trị). Về năng lực sản xuất, một số doanh nghiệp (DN) trong nước không thua kém DN ngoại. Bên cạnh đó, dân số hơn 90 triệu người là một lợi thế về thị trường tiêu thụ các sản phẩm giày dép.
Theo Bộ Công Thương, sản phẩm giày dép “made in Vietnam” tiêu thụ trên thị trường chủ yếu thuộc phân khúc thấp và trung cấp, phải chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ mặt hàng cùng loại nhập khẩu từ Trung Quốc. Hiện nay, các sản phẩm nhập ngoại chiếm tới 50-60% thị phần.
Trong khi đó, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp vẫn có nhưng ít và hiện bị lép vế trước các thương hiệu lớn trên thế giới. Mặt khác, sản phẩm của các DN ngay khi rời xưởng ra thị trường nội địa đã phải đối mặt với nạn hàng giả, hàng kém chất lượng. Vì vậy, những DN có quy mô lớn thường chọn giải pháp an toàn tập trung sản xuất hàng xuất khẩu, còn sản xuất hàng tiêu thụ nội địa chỉ dành cho DN nhỏ và vừa.
Để chiếm lĩnh tốt thị trường nội địa, DN cần một chiến lược truyền thông bài bản cho sản phẩm thuộc phân khúc mà mình hướng tới để ngay lập tức gây ấn tượng với người tiêu dùng. Đồng thời sử dụng chính chất lượng, giá cả và sự đa dạng về mẫu mã làm “chìa khóa” để cạnh tranh bền vững trên thị trường.
Bên cạnh đó, tham gia vào chuỗi liên kết nội địa còn giúp ngành giày dép thoát ly dần sự lệ thuộc vào nguyên liệu từ nước ngoài, chủ động mẫu mã thiết kế, giảm thiểu chi phí mà vẫn có được những sản phẩm tốt phục vụ thị trường. Hiện nay, một số DN đã hình thành chuỗi liên kết nội địa bằng việc mua nguyên liệu từ những nhà cung ứng nội địa để sản xuất.
Ngoài ra, các chương trình đưa hàng về nông thôn lâu nay mới chỉ tập trung trong một thời gian nhất định, chưa để lại nhiều dấu ấn về giày, dép Việt trong lòng người tiêu dùng. Chi phí vận chuyển là một trong những vấn đề DN phải tính đến khi đưa hàng về nông thôn. Vì vậy, việc kết nối giữa các DN sản xuất và DN thương mại địa phương để tạo ra các kho, trạm trung chuyển là hết sức cần thiết. Điều này không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế, tạo lợi thế cạnh tranh cho DN mà còn là yếu tố quan trọng để người tiêu dùng nông thôn - khu vực tiêu thụ chủ đạo - được sử dụng sản phẩm với giá hợp lý.
Về phía các cơ quan chức năng, Lefaso kiến nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy hoạch tổng thể ngành da giày theo hướng phát triển công nghiệp hỗ trợ sản xuất nguyên phụ liệu để nâng cao tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, giảm tỷ lệ gia công xuất khẩu và có các chương trình hỗ trợ DN phát triển sản xuất. Đặc biệt, có giải pháp quyết liệt để hạn chế hàng nhái, hàng không đảm bảo chất lượng nhập khẩu.