Giày dép Việt chưa đo... bàn chân Việt

Hiện Việt Nam đang đứng trong nhóm 4 nước sản xuất lượng giày dép lớn nhất thế giới, kim ngạch xuất khẩu trên dưới 10 tỷ USD mỗi năm (năm 2014 đạt 10,3 tỷ USD; từ đầu năm đến ngày 15/7/2015 hơn 6,35 tỷ USD).

alt

Tuy nhiên, đó là con số tổng thể có thể coi là thành tích đáng... mừng vui. Song, nếu ai quan tâm, đứng ở nhiều góc độ khác nhau “soi” vào lĩnh vực da giày, rất tự nhiên, sẽ có một câu hỏi hiện hữu: Doanh nghiệp (DN) da giày “100% Việt” đang đứng ở đâu?

Theo Hiệp hội Da- giày- túi xách Việt Nam (LEFASO), các DN FDI đều có quy mô sản xuất lớn và đầu ra ổn định, chiếm tới 80% kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giày, phần 20% còn lại thuộc về DN Việt, quá nhỏ. Một thực tế có thể coi là “bất thường”: Hấu hết các DN đều hướng tới xuất khẩu, hờ hững với thị trường nội địa. Hiện trên thị trường nội địa ghi nhận mức tiêu thụ trên dưới 180 triệu đôi giày dép mỗi năm, giá trị lên tới 5 tỷ USD. Song, dường như các DN da giày vẫn “lạnh nhạt” với “miếng bánh hấp dẫn” này khi chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu tiêu dùng trong nước, 60% còn lại để giày dép ngoại nhập, chủ yếu từ Trung Quốc, “nẫng tay trên, ăn ngon”.

Đã vậy, trong tổng lượng giày dép tiêu thụ nội địa, các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của DN FDI sản xuất tại Việt Nam chiếm số lượng không nhỏ, còn DN Việt chủ yếu sản xuất giày dép chất lượng trung bình và thấp, chủ yếu tiêu thụ ở nông thôn, miền núi. Đặc biệt, DN Việt chưa tạo dựng được những thương hiệu nổi tiếng, chưa có bản sắc riêng, đành chịu phận yếu!

Với góc độ đầu vào, theo LEFASO, tỷ lệ nội địa hóa của ngành da giày mới chỉ chiếm 40- 45% (chủ yếu là đế giày, chỉ khâu), trong khi nguyên liệu quan trọng nhất là da thuộc, da nhân tạo, vải cao cấp... vẫn phải nhập khẩu. Công nghiệp hỗ trợ không phát triển khiến DN da giày Việt chưa thể chủ động trong chuỗi cung ứng nguyên phụ liệu.

Có lẽ còn có một sự “bất thường” nữa: Theo lộ trình giảm thuế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, đến cuối năm 2015, thuế suất thuế xuất khẩu một số chủng loại giày dép trong nội khối sẽ về 0%. Không ít DN da giày Việt xem đây cơ hội tốt để mở rộng thị trường xuất khẩu mà không coi đó là nguy cơ lớn khi làn sóng giày dép ngoại chất lượng cao, giá rẻ tràn vào thị trường Việt Nam. Đã có ai cân đối giữa cái “được” của xuất khẩu và cái “mất” thị phần tiêu thụ nội địa của giày dép Việt hay chưa?

Để “giày dép Việt nâng niu bàn chân Việt” không dễ dàng chút nào!  

Theo http://baocongthuong.com.vn/

Bình luận của bạn