Gìn giữ thương hiệu lụa Việt Nam

Là một trong những thương hiệu lụa có truyền thống lâu đời, các sản phẩm lụa Vạn Phúc đã in sâu vào tâm trí và chinh phục người tiêu dùng biết bao thế hệ. Ông Phạm Khắc Hà - Chủ doanh nghiệp Lụa Phúc Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Dệt lụa làng nghề Vạn Phúc - cho biết, so với các sản phẩm lụa khác, lụa Vạn Phúc được làm hoàn toàn thủ công, từ cách chọn tơ đến dệt, mẫu mã hoa văn dệt vào vải. Lụa Vạn Phúc dùng hai mặt như nhau và hiện đã áp dụng một số công nghệ chống nhàu. Hiệp hội thường xuyên động viên nghệ nhân cải tiến thiết bị công nghệ, bảo đảm yêu cầu của khách hàng. Từng chi tiết trong khung dệt phải thay đổi để sản phẩm của làng nghề sẽ được người tiêu dùng ưa thích. Nhờ in tên, địa chỉ từng hộ sản xuất vào biên vải nên người tiêu dùng có thể dễ dàng truy suất được nguồn gốc sản phẩm. Thời gian qua, không có sự phản hồi nào của khách hàng về chất lượng sản phẩm bán ra.

Hiện nay, lụa Vạn Phúc được dệt từ 100% tơ tằm và lụa tơ tằm pha tơ bóng tùy theo tỷ lệ mà có giá thành cao - thấp khác nhau, tỷ lệ tơ tằm càng nhiều thì giá càng cao. Ngoài ra, còn theo độ "kỹ", "độc", lạ... của sản phẩm. Do phải qua nhiều công đoạn dệt thủ công, nên giá thành mỗi mét vải lụa Vạn Phúc cũng khá cao, từ 400 nghìn đồng đến 1 triệu đồng/mét.

Ông Phạm Khắc Hà chia sẻ thêm, qua sự việc Khaisilk vừa qua, những ngày đầu tiên, làng lụa Vạn Phúc chịu ảnh hưởng ít nhiều, nhưng ngay sau đó vẫn giữ được nhịp độ sản xuất đều đặn và giữ lượng tiêu thụ tốt. Hiện, các cơ sở sản xuất, kinh doanh của Vạn Phúc đã cập nhật thông tin, sản phẩm mới lên mạng, giúp người tiêu dùng hiểu rõ và tin tưởng hơn các sản phẩm chính hãng của làng nghề.

Ông Nguyễn Văn Dự, Bí thư Đảng ủy phường Vạn Phúc cho biết, với việc bảo vệ thương hiệu, Vạn Phúc đã có “Trung tâm Kinh doanh lụa Vạn Phúc chất lượng cao”, quy định tất cả các hộ kinh doanh trong khu trung tâm phải bán 100% lụa Vạn Phúc. Thương hiệu “Lụa Hà Đông” đã được UBND quận Hà Đông hỗ trợ kinh phí để gắn lên mép biên của sản phẩm. Bên cạnh đó, Hiệp hội Làng nghề của phường và chính quyền địa phương thường xuyên vận động, khuyến cáo các hộ kinh doanh lụa phải công khai, minh bạch rõ nguồn gốc, xuất xứ và giá cả của từng loại sản phẩm để khách hàng dễ dàng lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu, thị hiếu...

Ngoài nỗ lực gìn giữ, phát triển của làng nghề để giữ nghề, lụa Vạn Phúc nói riêng và ngành tơ lụa nói chung đang rất cần sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng hỗ trợ đầu tư xây dựng chuỗi sản xuất hàng hóa: Nuôi tằm - ươm tơ - dệt lụa; đồng thời, có chiến lược giữ các vùng trồng dâu; đầu tư nghiên cứu các giống tằm chất lượng cao; thúc đẩy đổi mới công nghệ, máy móc ươm tơ để tạo ra sản phẩm tơ chất lượng cao hơn…

Bình luận của bạn