Giới trẻ ngày càng “mặn mà” với hàng Việt

Người tiêu dùng là học sinh, sinh viên cũng đã có cái nhìn tích cực hơn về hàng Việt, chú trọng chất lượng hơn giá cả. Đây là nhóm người tiêu dùng có nhu cầu và sức mua lớn.

Chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” do UBND Thành phố Hà Nội tổ chức trong 3 ngày 7, 8 và 9/10 nhằm mục đích tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức của người tiêu dùng Thủ đô, đặc biệt là tầng lớp trí thức trẻ về hàng Việt, góp phần giúp các doanh nghiệp hàng Việt bảo vệ thị phần và thương hiệu trong nước thời kỳ hội nhậpcũng như hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Chất lượng thay đổi thói quen

Với phong cách trẻ trung, vui nhộn đậm chất sinh viên tại Công viên Thống Nhất hơn 150 gian hàng được trưng bày theo hình thức gian hàng - hội trại gồm các gian lều trại mang màu sắc tươi mới của hơn 20 trường Đại học lớn gồm các trường: Đại học Hà Nội, Đại học Văn hóa Đại học Kinh tế quốc dân, Đại học Ngoại Thương, Đại học Bách Khoa, Học Viện Nông nghiệp, Đại học xây dựng, Đại học Luật, Đại học Thương Mại, Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Thủ đô Hà Nội, Đại học Phương Đông, Đại học Dược, Đại học Thủy Lợi, Đại học Công Đoàn, Đại học Mỹ Thuật, Học Viên âm nhạc....

Bên cạnh đó, còn có 100 gian hàng của các doanh nghiệp Việt tham gia với ngập tràn sản phẩm chất lượng cao cùng nhiều khuyến mại, quà tặng phù hợp nhu cầu của sinh viên nói riêng và người tiêu dùng Việt Nam nói chung. Tại đây, người tiêu dùng và các bạn sinh viên sẽ được tham quan, tìm hiểu, khám phá và trải nghiệm các hoạt động hết sức đặc trưng của từng gian hàng, khu trại như: sử dụng sản phẩm miễn phí, tham gia trò chơi nhận quà,…

Là sinh viên năm thứ hai trường Đại học Dân lập Phương Đông, em Trần Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ, vì còn đi học, chưa có thu nhập riêng nên em thường tìm mua những sản phẩm tiêu dùng có chất lượng tốt, dùng được lâu nhưng giá cả phải phù hợp với túi tiền.

Các mặt hàng mang nhãn hiệu “Made in Vietnam” luôn được Ngọc Anh ưu tiên lựa chọn, đặc biệt là các loại hoa quả, thực phẩm… được dán nhãn an toàn trong siêu thị.

Ngọc Anh chia sẻ, hàng hóa thương hiệu Việt ngày càng được cải thiện về chất lượng và mẫu mã. Do vậy, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, cơ hội để các bạn học sinh, sinh viên như em tìm được một sản phẩm ưng ý cũng lớn hơn.

Chị Phạm Thị Ánh Hồng, nhân viên bán hàng thời trang xuất khẩu cho biết, hàng Việt Nam xuất khẩu tại cơ sở của chị trước kia bán chậm do mẫu mã không đa dạng, ít thay đổi. Hơn thế tâm lý của người Việt có chiều hướng sính ngoại.

Tuy nhiên, do nhu cầu mua sắm ngày càng tăng, khách hàng bắt đầu có thiện cảm với hàng Việt và chú ý hơn tới các yếu tố chất lượng như chất liệu, đường may… nên số lượng hàng bán ra ngày càng ổn định.

Chị Hồng cũng cho biết, khách hàng của chị ở nhiều độ tuổi, tuy nhiên học sinh, sinh viên chiếm số lượng lớn. Đây chính là dấu hiệu lạc quan cho thấy tâm lý sính ngoại đã nhạt dần, giới trẻ đã chuộng hàng Việt hơn.

Không nằm ngoài xu hướng, đối tượng người tiêu dùng là học sinh, sinh viên cũng đã có cái nhìn tích cực hơn về hàng Việt, chú trọng chất lượng hơn giá cả. Đây là nhóm người tiêu dùng có nhu cầu và sức mua lớn của Thủ đô khi trên địa bàn Hà Nội hiện có tới gần 70 trường đại học và 22 trường cao đẳng với tổng số trên 300.000 sinh viên.

Các sản phẩm hàng hóa có sức tiêu thụ lớn nhất trong giới trẻ là thời trang, mỹ phẩm, thực phẩm và văn phòng phẩm… Nhìn chung, các sản phẩm hàng hóa Việt hiện có trên thị trường đều có chất lượng tốt, giá cả vừa phải, phù hợp với tâm lý, thị hiếu và nhu cầu của tầng lớp học sinh, sinh viên.

Nâng tầm thương hiệu Việt

Thực tế cho thấy, hiện nay, không chỉ những người lớn tuổi, có điều kiện tài chính ổn định mới thay đổi thói quen mua sắm hàng ngày mà rất nhiều bạn trẻ, nhiều câu lạc bộ của người trẻ cũng tích cực hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” bằng những việc làm thiết thực.

Trong 3 ngày diễn ra sự kiện “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” đã thu hút hơn 10.000 lượt người tiêu dùng và khoảng 30.000 lượt sinh viên các trường đại học, cao đẳng và hơn 100 doanh nghiệp Việt tham gia.

Sự kiện gồm nhiều hoạt động hấp dẫn hướng tới đối tượng người tiêu dùng trẻ và các doanh nghiệp Việt Nam nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển thương hiệu hàng Việt của các doanh nghiệp trong thời kỳ hội nhập.

Để hiểu được tâm lý tiêu dùng của các bạn trẻ, Chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” cũng tổ chức nhiều Gameshow như “Khám phá thương hiệu Việt”, một cuộc thi mang tính chất tương tác, khảo sát thị hiếu, tâm lý người tiêu dùng về sản phẩm và thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cuộc thi “Từ nhận thức đến hành vi tiêu dùng hàng Việt" với những chủ đề liên quan trực tiếp với hàng Việt, doanh nghiệp Việt, người tiêu dùng Việt trong thời kỳ hội nhập.

Các tiết mục biểu diễn có nội dung và sự sáng tạo đến từ các đội chơi sinh viên – doanh nghiệp mang đến cho người tiêu dùng tham gia sự kiện những giây phút thư giãn nhưng đồng thời cũng truyền tải những thông điệp nhằm gắn kết người tiêu dùng Việt với doanh nghiệp Việt, giúp người tiêu dùng lý giải được câu hỏi “Tại sao người Việt Nam nên ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Em Nguyễn Minh Hiếu, thành viên câu lạc bộ Marketing trường Đại học Ngoại thương chia sẻ, cả hàng Việt và hàng ngoại đều có những sản phẩm tốt và chưa tốt. Nhìn chung, hàng Việt không thua kém hàng ngoại cả về chất lượng và giá cả.

Vấn đề là ở nhận thức và thị hiếu của người tiêu dùng còn “thiên vị” cho các sản phẩm mang nhãn hiệu ngoại. Hơn thế, công tác tuyên truyền chưa đủ độ “sâu”, gian hàng Việt tại các siêu thị còn hạn chế, các chương trình khuyến mại dành riêng cho giới trẻ chưa nhiều… nên đôi khi những sinh viên khó khăn trong tiếp cận hàng nội.

Để hàng hóa mang thương hiệu Việt có thể chiếm ưu thế tuyệt đối tại thị trường trong nước, đặc biệt là chiếm được lòng tin của giới trẻ, cần nhiều hành động cụ thể, thiết thực hơn nữa.

Tuyên truyền, đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng lậu là chưa đủ vì thói quen của người tiêu dùng chỉ có thể thay đổi cũng như cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chỉ có thể phát huy hiệu quả khi chất lượng hàng hóa thực sự đảm bảo.

Củng cố, nâng cao chất lượng sản phẩm chính là cách làm duy nhất để đưa hàng Việt lên ngôi, nâng tầm thương hiệu Việt và cũng nhờ đó mà thể hiện tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước, lòng tự tôn dân tộc./.

Bình luận của bạn