Giữ bản sắc cà phê Việt
Ngoài sản xuất mang tính thương mại, xây dựng sản phẩm đặc trưng, Việt Nam cần giữ gìn và đẩy mạnh quảng bá bản sắc cà phê Việt
Theo kế hoạch cơ cấu lại lĩnh vực chế biến nông lâm sản theo hướng nâng cao năng lực chế biến gắn với phát triển thị trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), ngành cà phê đề ra nhiều nhiệm vụ để cơ cấu lại và nâng cao giá trị cho cà phê Việt Nam.
Thay đổi cách trồng, quảng bá; nâng tiêu chuẩn, chất lượng
Việt Nam sẽ tái canh, thay thế diện tích già cỗi bằng các giống mới chất lượng cao, giữ ổn định diện tích khoảng 600.000 ha. Đồng thời, áp dụng các quy trình sản xuất tiến bộ, thực hiện đồng bộ các giải pháp về giống, kỹ thuật canh tác, đầu tư thâm canh, xen canh để bảo đảm năng suất và chất lượng cà phê; sản xuất theo hướng bền vững có chứng nhận, tăng giá trị xuất khẩu. Cải tiến trong thu hái, bảo quản và chế biến sâu bằng cách đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tăng tỉ lệ cà phê nhân được chế biến quy mô công nghiệp đạt trên 80% chế biến ướt; chế biến sâu, đặc biệt là cà phê hòa tan đạt 150.000 tấn/năm. Tổng sản lượng xuất khẩu hằng năm khoảng 1,5-1,8 triệu tấn.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), một trong những định hướng quan trọng là chú trọng phát triển thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước; duy trì xuất khẩu các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường tiềm năng. Trong đó, quan tâm đặc biệt đến Trung Quốc, EU và những thị trường mà Việt Nam đã tham gia ký các hiệp định thương mại tự do... Bên cạnh đó, phải đưa vào hoạt động có hiệu quả các sàn giao dịch cà phê để xuất khẩu trực tiếp, không qua khâu trung gian, đồng thời quảng bá thương hiệu, hỗ trợ doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường...
TS Manuel Diaz.P, chuyên gia tư vấn cà phê đến từ Mexico, cho rằng Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê Robusta lớn thứ 2 trên thế giới, thế nhưng giá trị cà phê mang lại chưa cao, nguyên nhân chính là vì chất lượng. Để nâng cao chất lượng, Việt Nam cần xây dựng một quy chuẩn khắt khe hơn đối với sản xuất cà phê; tìm hướng nâng cao sản lượng, chất lượng cà phê trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật chứ không nên dựa vào phân bón. Riêng cà phê đặc sản đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới, ở Việt Nam, ngành hàng này còn rất mới mẻ nên cần khai thác. Vì vậy, cần quảng bá cà phê đặc sản ở trong nước tốt rồi mới đến thị trường ngoài nước.
Tại buổi hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam diễn ra trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, cho rằng để phát triển ngành hàng cà phê đặc sản, các doanh nghiệp, người nông dân trồng cà phê phải thay đổi tư duy sản xuất, chế biến để nâng cao chất lượng; đồng thời tăng cường mời gọi, quảng bá cà phê và các sản phẩm cà phê.
Chú trọng yếu tố đặc trưng
Ông Võ Khanh, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Cà phê và Nông sản thương mại Công Bằng Cầu Đất (Lâm Đồng), cho biết hiện 30 thành viên của HTX đang canh tác trên diện tích 46 ha, theo tiêu chuẩn của Mỹ, sản lượng chỉ khoảng 100 tấn/năm. Tuy nhiên, quan điểm của HTX là không chạy theo sản lượng mà chú trọng chất lượng, tạo ra hạt cà phê mang bản sắc cà phê Việt. Điển hình là loại cà phê Culi - Typica nổi tiếng với một nhân trong một trái, mỗi tuần chỉ chọn được 1 kg nhưng giá bán lên tới 700.000 đồng/kg nhân. HTX trực tiếp xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản và một số công ty thu mua xuất cho các nước châu Âu.
Ông Nguyễn Xuân Lợi, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển An Thái, nhìn nhận bản sắc cà phê Việt thể hiện qua cách chế biến, thưởng thức, không trùng lặp với bất kỳ quốc gia nào. Các doanh nghiệp xuất khẩu đã chú trọng quảng bá bản sắc cà phê Việt bằng cách đưa những hình ảnh ấn tượng, độc đáo như phin cà phê, cô gái Việt mặc áo dài hay người dân tộc Ê Đê in trên bao bì sản phẩm.
"Tuy nhiên, muốn xây dựng cà phê đậm bản sắc Việt, điều đầu tiên, cốt lõi vẫn là chất lượng sản phẩm. Bởi, những hình ảnh đó chỉ là bổ trợ, tạo nên một sự quan tâm nhưng tình cảm lâu dài, niềm tin của khách hàng vẫn là chất lượng. Việc phát huy bản sắc cà phê Việt là trách nhiệm chung của cộng đồng. Mỗi địa phương, mỗi doanh nghiệp phải xây dựng một thương hiệu riêng để quảng bá, góp phần tôn vinh, xây dựng hình ảnh cà phê Việt" - ông Lợi góp ý.
Còn theo ông Lê Đức Huy, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2-9, Việt Nam có nhiều vùng cà phê chất lượng rất tốt, có vị ngọt và vị trái cây nhiệt đới riêng biệt. Tại cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam vừa diễn ra trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, các giám khảo nước ngoài cũng đánh giá nhiều mẫu cà phê có vị đặc trưng riêng mà Việt Nam có thể khai thác để phát triển. "Ngoài việc phát triển cà phê thương mại thông thường, chúng ta cũng tập trung vào nhánh khác biệt gồm cà phê chất lượng cao, cà phê có chứng nhận và cà phê đặc sản... Trong đó, cà phê đặc sản như yếu tố dẫn dắt, chứng minh cho các nhà tiêu thụ rằng chúng ta không chỉ có sản lượng lớn, chất lượng bảo đảm mà còn có những loại cà phê mang nét đặc trưng của vùng miền Việt Nam" - ông Huy nhấn mạnh.