Giúp hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam đẹp và hấp dẫn hơn

Nghề truyền thống là di sản văn hóa mà ông cha ta đã dày công xây dựng với biết bao sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) có hàm lượng văn hóa cao, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế thế giới đòi hỏi sản phẩm thủ công mỹ nghệ phải sáng tạo nhiều mẫu mã để đủ sức cạnh tranh trên thị trường khốc liệt hiện nay. Thiết kế mẫu mã đang là khâu yếu nhất của nghề truyền thống.

Thúc đẩy sáng tạo, đa dạng hóa mẫu mã

Yêu cầu của cuộc sống hiện đại và hội nhập kinh tế thế giới đang đòi hỏi sản phẩm TCMN của nước ta phải phong phú, đa dạng đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ của khách hàng. Trong khi đó, hiện nay ở các làng nghề truyền thống thiếu hẳn một khâu quan trọng là ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo ra sự đa dạng trong mẫu mã sản phẩm. Ngoài một số ít nhà thiết kế chuyên nghiệp tâm huyết với nghề truyền thống, nước ta chưa có đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp nghiên cứu chuyên sâu cho từng sản phẩm TCMN. Các cơ sở làng nghề và doanh nghiệp hiện đầu tư quá ít cho nghiên cứu thị trường, nhất là thị trường dành cho tạo mẫu và thiết kế. Theo Hiệp hội xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam, hiện nay có tới 90% sản phẩm của Việt Nam dựa trên thiết kế của khách hàng nước ngoài cung cấp và sử dụng nhãn mác của khách hàng.

So với các nước trong khu vực, hàng TCMN của Việt Nam kém cạnh tranh về thiết kế mẫu mã. Giám đốc Trung tâm tạo mẫu và hỗ trợ làng nghề Việt Nam Bùi Văn Vượng nhận xét: Khi tham dự các Hội chợ triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ ở các địa phương nước ta, không khó để nhận ra thực tế là sản phẩm các gian hàng cùng loại hao hao giống nhau, hiếm thấy sự khác biệt kiểu dáng, mẫu mã, mầu sắc. Có khác chăng chỉ ở chỗ tay nghề, chế tác... đã vững vàng hay còn thô vụng của từng đơn vị, hộ nghề, hộ doanh nghiệp. Tiến sĩ Võ Quang Trí công tác tại đơn vị thành viên của Đại học Đà Nẵng cho rằng: Trong bối cảnh khó khăn về đầu ra, TCMN địa phương bộc lộ những điểm yếu về sáng tạo. Đây là nguyên nhân chính gây nên việc khó cạnh tranh với hàng nước ngoài. Tại Hội chợ quốc tế thương mại du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây- Đà Nẵng năm 2015, nhiều doanh nghiệp nước ngoài rất muốn tìm kiếm sản phẩm TCMN của Việt Nam để ký kết hợp đồng nhưng luôn luôn đòi hỏi sản phẩm phải mang đậm văn hóa Việt và tính độc đáo riêng. Một điều đáng buồn là đã có nhiều nước đặt các cơ sở của nước ta gia công hàng theo mẫu của họ vì chất lượng của hàng Việt Nam tốt do đội ngũ thợ thủ công của ta có tay nghề cao. Vậy mà bản thân các cơ sở của Việt Nam không có được những đơn hàng lớn cho mẫu mã của riêng mình. Trước thực trạng đó, Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Lưu Duy Dần cho biết: Cần quy hoạch và định hướng lại để làng nghề phát triển theo hướng đầu tư mở rộng doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ lẫn nhau xây dựng những doanh nghiệp đầu đàn làm đầu mối, vừa dẫn dắt, định hướng vừa bao tiêu sản phẩm, trong đó khâu thiết kế mẫu mã phải là bước đột phá của làng nghề truyền thống TCMN.

Thước đo từ khách hàng

Cho đến nay, nghệ nhân và thợ thủ công vẫn là những người quyết định mẫu mã cho sản phẩm TCMN. Đã có nhiều nghệ nhân thợ giỏi, tâm huyết với nghề có sáng kiến sáng tạo trong thiết kế mẫu mã như các nghệ nhân: Trần Độ, Vũ Đức Thắng (gốm Bát Tràng), Nguyễn Xuân Dục (thêu Quất Động), Nguyễn Văn Trung (mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội), Hạ Bá Định (gốm Chu Đậu), Đỗ Văn Thuận (sơn mài Hà Thái, Hà Nội)… Tuy nhiên, con số những nghệ nhân, thợ giỏi như thế chưa nhiều và chưa được đầu tư thỏa đáng. Theo họa sĩ Vũ Huy Thiều, vì thiếu kiến thức và kỹ năng thiết kế hầu hết các thợ thủ công chỉ dựa vào thói quen qua sản phẩm truyền thống và khách đặt hàng, thiếu sáng tạo và sự hiểu biết thị trường. Nhiều chuyên gia và các nhà nghiên cứu cho rằng: Sớm xây dựng cơ quan tạo mẫu quốc gia, có các trung tâm, viện mẫu và các đơn vị liên quan, có kinh phí nhà nước và tài chính xã hội hóa, có chính sách khuyến khích sáng tạo sản phẩm thủ công mỹ nghệ, thực hiện đầy đủ chế độ bản quyền theo luật định. Bên cạnh đó tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn học về thiết kế cho nghệ nhân, tổ chức các hình thức tư vấn và cung cấp thông tin, tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm… Sự kết hợp chặt chẽ giữa các nhà thiết kế với nghệ nhân là cơ sở vững chắc làm nảy nở những sáng tạo về sản phẩm. Việc nghiên cứu các thị trường xuất khẩu cần được quan tâm để định hướng cho sự thiết kế mẫu mã, tránh tình trạng hàng làm ra không biết để cho ai dùng và tiêu thụ ở thị trường nào. Thiết kế mẫu mã đi đôi với việc xây dựng thương hiệu và giới thiệu, quảng bá qua các cuộc triển lãm, hội chợ, xúc tiến thương mại. Điều có thể khẳng định, khách hàng là thước đo giá trị của mẫu mã và sản phẩm TCMN có mẫu mã bắt mắt được khách hàng yêu thích là điều cần có đầu tiên để nó lưu thông trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Khi mẫu mã đã có được đơn đặt hàng lớn lại cần sự liên kết thợ thủ công và các hộ gia đình để đáp ứng làm khối lượng hàng lớn, tránh tình trạng đã từng xảy ra ở lĩnh vực gia công khi Việt Nam không dám nhận các đơn hàng lớn của nước ngoài đặt vì thiếu nguyên liệu và nhân lực.

Du lịch làng nghề phát triển là cơ hội để đưa sản phẩm nghề TCMN đến du khách trong nước và quốc tế, cho nên cần đặc biệt quan tâm sản xuất chế tác đồ lưu niệm, quà tặng du lịch. Hàng lưu niệm cần tinh xảo, nhỏ gọn, giá cả phù hợp, mẫu mã có thể là mỹ thuật thuần túy, nhưng hiện nay cũng rất cần đến mỹ thuật ứng dụng và giá trị sử dụng của nó trong cuộc sống. Đây là dịp để các nhà thiết kế đưa ra các mẫu mã theo ý tưởng sáng tạo của mình làm sao đáp ứng được thị hiếu, nhu cầu thẩm mỹ của du khách. Có thể nói các thông tin từ du khách giúp ích rất nhiều cho việc thiết kế mẫu mã hàng TCMN xuất khẩu.

Bình luận của bạn