Giúp người tiêu dùng hiểu rõ sản phẩm Việt Nam

Cuộc tọa đàm với chủ đề “Tạo sức hút để người tiêu dùng đồng hành cùng doanh nghiệp Việt” do Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, UBND TP Hà Nội và Báo Hànộimới tổ chức ngày 31-10, đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc của lãnh đạo thành phố, sở, ngành, doanh nghiệp (DN). Đồng thời, tọa đàm cũng giúp người tiêu dùng hiểu thêm về hàng Việt và giúp DN Việt hiểu hơn nhu cầu của người tiêu dùng. Báo Hànộimới xin trích đăng một số ý kiến tiêu biểu...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản: 

Tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và hành động

Các chương trình đề án phát triển thương mại, đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng nhất là các vùng nông thôn, miền núi, khu chế xuất... được thành phố triển khai nhiều năm qua. Đa số các DN sản xuất trên địa bàn đã tiên phong hưởng ứng cuộc vận động, quan tâm hơn đến công tác bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời tham gia đề xuất xây dựng các chính sách. 

Thời gian tới, để cuộc vận động tiếp tục triển khai thành công, cơ quan thông tin đại chúng cần tập trung tuyên truyền để người tiêu dùng thay đổi nhận thức và hành động. Các cơ quan quản lý nhà nước, DN, địa phương cần có sự gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau. Ban Chỉ đạo thành phố sẽ tiếp tục tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, phối hợp với các ngân hàng hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí, giúp DN hạ giá thành sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, giúp DN mở rộng thị trường, đưa các sản phẩm của Hà Nội đến với các tỉnh và đưa những sản phẩm chủ lực của các tỉnh về Hà Nội. 

TP Hà Nội có 200.000 DN, địa bàn rộng, vì vậy, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chống hàng giả, hàng kém chất lượng rất cần được đẩy mạnh, để tạo niềm tin cho nhân dân; tăng hiệu quả cạnh tranh.
Doanh nghiệp quan tâm tới nhu cầu của người tiêu dùng



Không ít người Việt Nam vẫn sính hàng ngoại, chưa quan tâm đến hàng trong nước. Dưới góc độ của Ban Chỉ đạo, tôi cho rằng, trách nhiệm của DN là phải quan tâm tới nhu cầu của người tiêu dùng, sản phẩm phải đẹp, giá cả phải hấp dẫn. Làm thế nào để huy động được các DN trong nước sử dụng nguyên liệu của nhau để sản xuất ra sản phẩm tốt? Có được sản phẩm tốt rồi cần phải quan tâm đến truyền thông.

Hiện thành phố có nhiều chủ trương để tháo gỡ khó khăn cho DN nhưng DN cũng cần sự hỗ trợ của các địa phương. Nếu các địa phương không có những chương trình ưu đãi cho DN, thì DN sẽ khó tiếp cận người tiêu dùng. Do đó, thời gian tới, hoạt động chỉ đạo cần quyết liệt để các đơn vị vào cuộc đồng bộ, tích cực, đạt kết quả tốt hơn. 

Giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng

Khóa Việt - Tiệp là đơn vị tham gia Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam từ những ngày đầu tiên. Đồng hành với cuộc vận động suốt 7 năm qua, các sản phẩm của Công ty đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các ban, ngành chức năng; giúp Công ty tăng doanh thu, tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn, từ đó, đóng góp trở lại cho công tác an sinh xã hội của thành phố. Trong các hình thức hỗ trợ, tuyên truyền, quảng bá sản phẩm đóng vai trò quan trọng và phát huy hiệu quả cao nhất, giúp người tiêu dùng biết rõ hơn về sản phẩm.

Để chuẩn bị hội nhập, Công ty đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng, tập trung đầu tư khoa học công nghệ, thay đổi mẫu mã sản phẩm, để sản phẩm không chỉ tốt, bền mà còn đẹp. Mỗi năm, Công ty đầu tư 35-40 tỷ đồng giảm tiêu hao năng lượng, ổn định năng suất. Đặc biệt, trong vòng 5 năm gần đây, các sản phẩm của Việt - Tiệp không tăng giá, mặc dù các chi phí tăng lên nhiều. 

Sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ sở sản xuất

Bảy năm qua, Hapro đã đưa khoảng 1.300-1.400 chuyến hàng về khu vực nông thôn, đồng thời liên kết, quảng bá hàng hóa các vùng miền với Hà Nội và ngược lại.

Với thế mạnh riêng cùng mạng lưới thương mại đan xen trong khu dân cư và chợ đầu mối rộng khắp, Hapro sẽ tiếp tục ủng hộ và hợp tác với các cơ sở sản xuất trong nước để tiêu thụ hàng hóa; đồng thời, Hapro cũng có đa dạng hơn về mặt hàng Việt Nam cung ứng trong hệ thống thương mại của Tổng công ty. Các sản phẩm hàng Việt Nam bày bán tại hệ thống siêu thị của Hapro được hỗ trợ về bao bì và trưng bày để tiếp cận gần hơn với người tiêu dùng Việt Nam.

Thiếu công ty sản xuất linh kiện phụ trợ trong nước

Ladoda tập trung sản xuất các sản phẩm đồ da cao cấp, phát triển nhiều mẫu mã, như ví, cặp sách và dây lưng. Công ty nhập toàn bộ thiết bị sản xuất từ nước ngoài như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Hưởng ứng cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, Ladoda đã mở hơn 200 đại lý trên toàn quốc và đưa sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng. Thương hiệu Ladoda đã tồn tại hơn 24 năm.

Hiện Ladoda đang gặp nhiều khó khăn trong việc cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập. Chẳng hạn, Công ty phải nhập khẩu vải, linh kiện phụ trợ mà DN trong nước không sản xuất, nên giá thành một số sản phẩm do Ladoda làm ra đôi khi khó cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài.
 
 

Bình luận của bạn