Gốm sứ đậm đà văn hóa Việt

Kể từ 1996 tới nay, 21 năm liền, Cty TNHH Minh Long I là một trong 40 doanh nghiệp đạt chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao; và “ông chủ” của công ty - Tổng giám đốc Lý Ngọc Minh, từ 2007 đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động.

Nghìn trùng sản phẩm của Minh Long I, nhìn từ những món gốm sứ gia dụng tới những món là vưu vật quốc gia, những món quốc phẩm, có thể cảm nhận rõ ràng sự nỗ lực, tấm lòng gìn giữ, nâng tầm, quảng bá văn hóa Việt của ông Lý Ngọc Minh.


 

Gặp, trò chuyện với người đọc nhiều, đi lắm, “hiểu chuyện” như ông Lý Ngọc Minh là cơ may cho công việc làm báo của tôi. Chỉ cần lắng nghe rồi “tì tì” ghi lại.

“Tui chỉ tỉa tót lại cho đẹp hơn thôi”

“Tui dám nói một câu, chưa một ai thấm nhuần văn hóa Việt bằng tui, từ câu hò, điệu dân ca, cho tới những hình ảnh dân gian. Tui lớn lên ở xứ Bình Dương, thích dân ca từ thuở nhỏ, thích những gì dân dã, gắn bó với hồn quê, đất nước. Cho nên, gần năm chục năm nay, từ lúc quyết chí theo, giữ nghề truyền thống của gia đình tới khi sản xuất tô chén dĩa chất lượng cao, rồi làm ra những sản phẩm tinh xảo, việc đầu tiên nhứt chúng tôi đi tìm cái hồn cho sản phẩm. Hai sản phẩm của Minh Long mang dấu ấn lịch sử cho tới giờ, là bộ “Hồn Việt” và “Sơn hà cẩm tú”.

Lúc đó, nói thiệt, tui vẫn chưa xác định được, văn hóa Việt sẽ được thể hiện trên một món sứ thế nào. Tánh tui, làm gì cũng phải có bài có bản. Tui dự triển lãm, hội chợ ở các nước, tới nước nào cũng nhứt định dành đôi ba ngày vào các viện bảo tàng, lâu đài, cung điện xem người ta đưa văn hóa xứ người ta vào sản phẩm thế nào. Tui nhìn thấy, có hai thể văn hóa người ta đưa vào là văn hóa cung đình, và văn hóa dân gian.

Vậy chớ, với văn hóa Việt lấy gì để hình tượng hóa đây? Nói, tả bằng ngôn ngữ thì dễ, nhưng hình tượng hóa thành hình vẽ - đâu dễ đâu. Cũng bí lắm. Tui bèn tìm gặp mấy ông làm văn hóa, nghiên cứu lịch sử. Tui nhớ tới truyền thuyết con rồng - cháu tiên. Rồi tui đi từ trong Nam ra ngoài Bắc, vô chùa chiền, làng mạc để tìm những nét hoa văn tiêu biểu thuần văn hóa Việt, rồi nghĩ lung lắm, làm sao gắn kết hài hòa cho ra tác phẩm thể hiện đúng văn hóa cung đình, văn hóa dân gian của người Việt mình. Nghệ thuật cũng là một thứ ngôn ngữ, mình thể hiện, biểu đạt ngôn ngữ của mình ra sao, người ta nhìn vào, đọc được ý nghĩ, tình cảm của mình, thì nghệ thuật đó mới là nghệ thuật đạt được đỉnh cao chớ.

Sản phẩm mình làm ra mang đậm truyền thống văn hóa Việt, nhưng phong cách nhứt thiết hiện đại, văn minh. Nôm na cho dễ hiểu thì thế này: Mình thích ăn mắm nêm, nước mắm, nhưng nếu để mắm ở độ đậm đặc như vậy mà mời người nước ngoài, chắc chắn họ ăn không nổi với cái hương vị đó, nên mình phải pha chế lại cho nước mắm nó là nguyên mắm nhưng dịu lại…

Như với hình tượng con rồng tui nghĩ mình đã làm thành công đó, tui đặc tả một linh vật rồng Việt phong cách thần thái uy nghi, đĩnh đạc, nhìn vào người ta thấy, hiểu, hình dung được ngay…

Văn hóa dân gian thì tui đưa vào hình ảnh những cảnh đẹp do thiên nhiên tạo tác, được ca tụng đến những công trình kiến trúc văn hóa - lịch sử do con người tạo ra, gắn kết, sắp xếp hài hòa với những cảnh sinh hoạt làng quê thành ra bức tranh đặc tả nhìn vô người ta thấy, biết rằng chỉ có thể là đất nước con người Việt, nhưng người nước ngoài nhìn vô lại thấy ẩn đâu đó bóng hình làng quê của mình…

Nhưng cũng phải nói thiệt, phong cảnh làng quê đất nước được tả thực theo kiểu dân dã, thì đó là thứ sản phẩm “hoa đồng cỏ nội”, vậy, muốn ra thành thị, phải ăn mặc cho đàng hoàng, tươm tất, người ta mới tâng tiu mình chớ. Chúng tôi nâng tầm sản phẩm lên - hồn Việt thể hiện qua một vẻ đẹp hiện đại; người Việt nhìn vào thấy thích mắt, thấy đẹp, muốn sở hữu ngay, còn khi mang ra nước ngoài, người ta thưởng thức được, người ta mới chịu bỏ tiền mua. Mang đi biếu bạn bè, mình cũng hãnh diện với sản phẩm đó của mình.

Vậy đó, từ văn hóa truyền thống, tui lấy ra các nét, rồi chỉ việc xếp sắp lại bố cục, tỉa tót lại cho đẹp hơn mà thôi”.

“Nhất liệu, nhì nung, tam hình, tứ trí”

“Đó là câu dân làm nghề gốm sứ chúng tôi thuộc nằm lòng. Ở Minh Long, chúng tôi có nguyên tắc: Mỗi một sản phẩm như một đứa trẻ, sinh ra, lớn lên, nên người thì phải thi đậu 8 cái bằng: “Bốn không, Bốn có”. Bốn không là: “Không thời gian, không biên giới, không giới tính, không tuổi tác”. Bốn có là: “Có văn hóa, có nghệ thuật, có phong cách riêng, có hồn”.

Về nguyên liệu, tui dùng chữ trên thế gian này, chứ không dùng thế giới này để chắc rằng, cái gì tốt nhứt, đẹp nhứt đều được chúng tôi tuyển chọn làm sản phẩm.

Về nung - một khâu cực kỳ quan trọng, tui đi tìm hiểu nhiều nước rồi, thì thấy, thế giới không có công nghệ nung gốm sứ nào bằng công nghệ nung của Đức. Chúng tôi sử dụng công nghệ Đức.

Về hình: Phải tạo thế nào cho có hồn, nói nôm na là sản phẩm trông nó phải khôn.

Về trí: Chúng tôi tuyển chọn được một đội ngũ những họa sĩ, nghệ nhân, thợ lành nghề, chúng tôi nói vui là có đủ “10 hoa tay”, họ hiểu và thể hiện được những ý tưởng tui đưa ra. Về sự lành nghề, tinh khéo của bàn tay con người, tui có thể chia sẻ riêng với Báo Lao Động bí mật này: Từ 14-15 năm nay, chúng tôi xây dựng một bộ môn ít ai biết tới để đào tạo, giúp người thợ, nghệ nhân làm ra những sản phẩm bằng tay hết sức tinh xảo, như những món trang sức phụ nữ, những món dùng làm tặng phẩm cấp cao trong những dịp lễ, sự kiện lớn, trọng đại của đất nước, làm quà tặng cho nguyên thủ các quốc gia…

Nói chuyện phong cách riêng: Tới giờ, nghìn trùng sản phẩm, nếu nhìn gần, không cần nhìn chỉ dấu của công ty trên sản phẩm, hay dòm từ xa 5m, người ta thấy đó là sản phẩm sản xuất tại Việt Nam, là sản phẩm của Minh Long.

Cho tới giờ này, tui có thể tự hào mà nói: Về kỹ thuật vẽ tay, in ấn, lên màu, kỹ thuật nung, sử dụng tay nghề, ở cấp độ bậc cao, ngành gốm sứ Việt, chỉ Minh Long mới có được. Một sản phẩm, từ hồn tới xác đều tạo theo tiêu chí “Tinh hoa vĩnh cửu”. Chỉ có tinh hoa mới trường tồn vĩnh cửu. Mỗi quốc gia có sản phẩm, nét gì đó đặc trưng. Nói Hà Lan, người ta nhắc hoa tuylip, nói Thụy Sĩ, người ta nhắc đồng hồ, nói Việt Nam, tui muốn người ta phải nhắc tới một nghề thủ công nào đó; và tui muốn, nói tới gốm sứ, người ta nhắc tới Việt Nam!”.

Đắn đo một lúc lâu, ông Lý Ngọc Minh mới ưu tiên Báo Lao Động là “người ngoài đầu tiên” được phép xem trước nhất “mẻ gốm tươi vừa mới ra lò” là một bầy những cá, chim hết sức đẹp mắt, sống động. Cá, chim được tạo tác tự nhiên đến độ tưởng chừng cá đang quẫy nhẹ đuôi rồi lững lờ uốn lượn, còn những con chim, như sẵn sàng vỗ cánh hay ngóc mỏ chuẩn bị cất tiếng hót. “Cuối cùng, tui đã làm ra được những cá, chim như vầy - như ước mơ từ thuở nhỏ của mình”, ông Lý Ngọc Minh mỉm cười trìu mến, nâng niu từng con cá, con chim.

Và tôi bỗng nhớ, cách nay gần hai chục năm, lần đầu tiên tôi tới gặp ông viết bài cho báo Lao Động cuối tuần, khi đó, ông Minh mới vừa thành công làm ra được những món sứ men ngọc. Đưa chiếc chén men ngọc xanh mướt dưới đèn, chỉ cho tôi thấy độ mỏng, trong của món sứ, ông say sưa nói về chất men, về truyền thống gốm sứ cả ngàn năm tuổi của người Việt. Và ông mỉm cười. Ngày đó, cũng như hôm nay, đó là nụ cười hạnh phúc của một nghệ nhân, nghệ sĩ biết hài lòng với sản phẩm mình làm ra, dồn sức tìm tòi, cố gắng gìn giữ, nâng tầm, lan rộng những nét đẹp của văn hóa - lịch sử Việt.

Bình luận của bạn