“Tuần hàng Việt” tại Đan Phượng đã giúp người dân các huyện ngoại thành tiếp cận hàng Việt Nam chất lượng cao, giá cả hợp lý
Đó là ý kiến của đông đảo người dân huyện Đan Phượng khi mua sắm tại phiên chợ Việt vừa được tổ chức trên địa bàn.
Diễn ra vào những ngày cuối tháng 11/2015, “Tuần hàng Việt” tại huyện Đan Phượng được tổ chức tại Trung tâm thể dục, thể thao của huyện. Đan Phượng là huyện nhỏ, nằm ở phía tây bắc của thành phố Hà Nội, tại khoảng giữa của trục đường quốc lộ 32 từ trung tâm Hà Nội đi Sơn Tây.
Tham gia “Tuần hàng Việt” lần này gồm các công ty sản xuất hàng gia dụng và các cơ sở sản xuất làng nghề, với đa số là đồ dùng thiết yếu cho gia đình, như: Xà phòng Avo của Công ty Cổ phần xà phòng Hà Nội, đồ gỗ mỹ nghệ Văn Sơn, cơ sở gốm sứ Vỹ Ngọc của làng gốm Bát Tràng, dao kéo Đa Sỹ, đồ da Phú Xuyên cùng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất làng nghề khác: Hợp tác xã thuốc Nam người Dao; các cơ sở may mặc...
Với giá cả phải chăng và đạt tiêu chuẩn chất lượng, các mặt hàng Việt được bày bán tại “Tuần hàng Việt” ở huyện Đan Phượng thu hút không chỉ người dân ở trung tâm thị trấn Phùng mà cả các vùng lân cận đến tham quan, mua sắm.
Để hàng Việt chiếm được lòng tin của người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải bảo đảm chất lượng hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ sản phẩm. Vì vậy, theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, việc bảo đảm chất lượng hàng hóa luôn được ngành Công Thương đặt lên hàng đầu. Theo đó, chuỗi “Tuần hàng Việt” tập trung giới thiệu và bán các sản phẩm hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất, bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, an toàn thực phẩm; ưu tiên lựa chọn các nhóm hàng như lương thực, thực phẩm, thực phẩm chế biến, rượu, bia, nước giải khát, đồ uống, bánh mứt kẹo, hóa mỹ phẩm, dệt may, da giày, đồ gia dụng, dược phẩm, hóa mỹ phẩm, sản phẩm thủ công mỹ nghệ và làng nghề, sản phẩm đặc sản vùng miền…
Thực tế, người dân các huyện ngoại thành rất quan tâm đến Chương trình “Tuần hàng Việt” do Sở Công Thương tổ chức, chú ý tìm hiểu chất lượng, giá cả hàng hóa. Vì vậy, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia chương trình đều đã khảo sát thực tế, từ đó xây dựng cơ cấu hàng hóa phù hợp với nhu cầu mua sắm của người dân; đồng thời cam kết đem đến chương trình nguồn hàng đáp ứng yêu cầu về chất lượng, giá thành hợp lý; sẵn sàng tư vấn, giải đáp các thắc mắc của người tiêu dùng.
Việc ngành Công Thương Hà Nội phối hợp các địa phương tổ chức “Tuần hàng Việt” đã góp phần thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nghệ nhân các làng nghề của Hà Nội quảng bá thương hiệu, sản phẩm; là dịp để lực lượng chức năng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chống hàng giả, nhái nhãn mác, từ đó bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng.