Hà Nội: Thúc đẩy Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
Với hàng nghìn làng nghề truyền thống và nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản cấp quốc gia, cấp vùng miền... Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) được Hà Nội triển khai sẽ tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Theo bà Hoàng Thị Huyền - Phó Chánh Văn phòng chuyên trách Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới Hà Nội, hiện thành phố có khoảng 7.200 sản phẩm, tương thích với 6 nhóm ngành hàng Chương trình OCOP, bao gồm: 2.881 sản phẩm thực phẩm (39,9%); 2.417 sản phẩm lưu niệm - nội thất - trang trí (33,5%); 1.396 sản phẩm vải và may mặc (19,3%)...
Làng nghề và nông sản, đặc sản chính là lợi thế để Hà Nội triển khai thực hiện hiệu quả chương trình gắn với 2 mục tiêu cốt lõi: Thực hiện xây dựng nông thôn mới và cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp; phát triển sản xuất gắn với tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Hiện, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đang dự thảo kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trình UBND thành phố phê duyệt.
Bà Hoàng Thị Huyền cho biết, triển khai muộn hơn so với các tỉnh, thành phố khác, Hà Nội dự kiến nâng cấp các sản phẩm hiện có để đạt "sao" theo quy định. Theo đó, Hà Nội phấn đấu đưa 1.000 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP. Thành phố sẽ hỗ trợ các nhóm hàng nông sản xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm; tổ chức diễn đàn kết nối giao thương; đồng thời, tập trung đào tạo, tập huấn cho cán bộ và các hộ dân tham gia chương trình.
Triển khai thực hiện ít nhất 2 mô hình làng nghề gắn với du lịch. Nâng cấp phần mềm Hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản của Thành phố (hn.check.net.vn), trang điện tử nongthonmoihanoi.gov.vn phục vụ công tác quản lý nhà nước và kết nối cung cầu các sản phẩm OCOP Hà Nội.
Thực hiện chương trình, Phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công Thương) phối hợp với các sở, ngành của thành phố và đơn vị thuộc Sở Công Thương triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch của UBND thành phố; tiếp tục hoàn thành công việc khảo sát địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn theo kế hoạch đã được phê duyệt.
Cùng với đó, phối hợp với sở, ngành, đơn vị liên quan aề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các tổ chức kinh tế, hộ gia đình thiết kế mẫu mã sản phẩm, phát triển sản xuất theo lĩnh vực quản lý ngành Công Thương vào chính sách phát triển làng nghề, Chương trình khuyến công, Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ, xúc tiến thương mại và Chương trình hỗ trợ trong lĩnh vực sản xuất của ngành nông nghiệp. Đồng thời, xây dựng kế hoạch phát triển nhóm sản phẩm, hướng dẫn triển khai và tổ chức thực hiện phát triển nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực ngành Công Thương; triển khai giám sát thực hiện các quy định về quản lý các khu trưng bày giới thiệu sản phẩm làng nghề kết hợp du lịch; địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; công bố các địa điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố…
Ðể phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị bền vững, trọng tâm là phát triển sản phẩm, dịch vụ có lợi thế của từng địa phương, ngoài việc sớm ban hành đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, nhiều ý kiến cho rằng, nếu được chú trọng đầu tư, sản phẩm có lợi thế ở các địa phương sẽ phát triển bài bản hơn.