Hàng Hàn Quốc giá rẻ sẽ tràn vào Việt Nam

alt
Song song với Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) được ký kết, sẽ có hơn 9.000 dòng thuế được giảm khi hàng hóa của Hàn Quốc được nhập khẩu vào Việt Nam. Điều này sẽ hứa hẹn trong thời gian tới, người tiêu dùng Việt sẽ được sử dụng hàng hóa Hàn Quốc với giá rẻ hơn.Hiệp định VKFTA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên trong số các Hiệp định FTA song phương giữa Việt Nam với các đối tác kinh tế đã cơ bản hoàn tất đàm phán năm 2014, được chính thức ký kết trong năm 2015. 
Với nội dung đã được thỏa thuận, dự kiến Hiệp định sẽ mang lại những tác động tích cực về nhiều mặt đối với Việt Nam.
Về kinh tế, thương mại, đầu tư, việc ký kết Hiệp định VKFTA sẽ giúp Việt Nam hoàn thiện hơn nữa môi trường kinh doanh, phân bổ và sử dụng nguồn lực xã hội một cách hiệu quả hơn, từ đó thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.
Hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được hưởng nhiều cơ hội thị trường mới nhờ các cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ của phía Hàn Quốc. Và ngược, nhiều mặt hàng của Hàn Quốc sẽ được nhập khẩu vào Việt Nam với mức giá rẻ hơn, người tiêu dùng Việt sẽ được lợi.
Cụ thể, nếu dựa trên Thông tư số 167/2014/TT-BTC ngày 14.11.2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN-Hàn Quốc giai đoạn 2015-2018 thì Biểu thuế AKFTA bao gồm toàn bộ các mặt hàng Việt Nam cam kết cắt giảm trong AKFTA trên cơ sở Danh mục hàng hoá Việt Nam năm 2012 (theo AHTN 2012) gồm 9.503 dòng thuế trong đó được chi tiết phân loại theo cấp độ 8 số là 9.471 dòng và 10 số là 32 dòng. 
Thuế suất trung bình của biểu thuế AKFTA giai đoạn 2012-2014 là 6,07%, đến giai đoạn 2015-2018 mức thuế suất trung bình giảm còn 1,92%. 
Mức thuế suất trung bình giai đoạn 2015-2018 giảm so với giai đoạn 2012-2014 chủ yếu do toàn bộ những mặt hàng thuộc danh mục thông thường được xóa bỏ thuế quan vào năm 2015, một số dòng được linh hoạt đến năm 2016 và 2018 (340 dòng thuế cắt giảm thuế suất về 0% vào năm 2016 và 478 dòng thuế cắt giảm về 0% vào năm 2018). Nhóm mặt hàng linh hoạt này gồm: nhóm nông nghiệp (thủy sản, thịt gà, bánh kẹo, sữa và chế phẩm sữa, dầu mỡ động thực vật, rau quả...), nhóm công nghiệp (dệt may, hóa chất, máy móc thiết bị, nhựa, giấy, sản phẩm kim loại cơ bản, vật liệu xây dựng...). 
Các mặt hàng nhạy cảm trong AKFTA bắt đầu có nghĩa vụ giảm thuế trong giai đoạn 2015-2018, cụ thể là có mức thuế suất 20% vào năm 2017 và 2018 (trên 600 dòng thuế ở cấp 8 hoặc 10 số). Đây là các mặt hàng như: sản phẩm hóa dầu, vật liệu xây dựng, giấy, vải, sắt thép, linh kiện, phụ tùng ô tô... Ngoài ra, một số mặt hàng nhạy cảm cao như ô tô nguyên chiếc, một số mặt hàng sắt thép, thuốc lá...  không có nghĩa vụ cắt giảm thuế quan trong AKFTA giai đoạn 2015-2018.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cắt giảm thuế quan với 92,7% giá trị nhập khẩu (tính theo số liệu năm 2012), chiếm 89,2% số dòng thuế, chủ yếu với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 3.000 cc trở lên, phụ tùng ô tô, điện gia dụng, một số sản phẩm sắt thép, dây cán điện,… Phần lớn trong số này là các nguyên, phụ liệu cần nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước, giúp giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ một vài nước khác.
Nguồn: Báo Việt Nam Net
Bình luận của bạn