Hàng hóa Việt Nam chiếm lĩnh thị trường, lấn át hàng ngoại nhập, khẳng định ưu thế, tạo lập niềm tin trong người tiêu dùng
Sắp đến Tết Bính Thân 2016 rồi. Đọc một số tờ báo, thấy chạy tít “Hàng nội chi phối hàng ngoại”, “Hàng hóa Việt nhiều, thị trường ổn định”, “Sức mua hàng nội tăng” … mà phấn khởi!
Thật vậy, sau gần 6 năm thực hiện, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã mang lại nhiều ý nghĩa tích cực. Sự chuyển biến về ưu tiên dùng hàng Việt Nam trong nhận thức của người tiêu dùng nâng lên rõ rệt. Lượng hàng hóa Việt Nam sản xuất có chất lượng ngày càng nhiều.
Đặc biệt, người tiêu dùng ưa chuộng hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ lớn. Sức tiêu thụ hàng Việt Nam tại các siêu thị tăng mạnh. Tại các siêu thị lớn như: Saigon Co.op, Co.opmartLý Thường Kiệt, Nguyễn Đình Chiểu, Đinh Tiên Hoàng, Bình Triệu, Co.opXtra ... khách hàng lúc nào cũng đông nghẹt. Các quầy thu ngân hoạt động hết công suất. Các mặt hàng được chọn mua nhiều nhất là thực phẩm tươi sống, thịt nguội, thực phẩm khô, bánh kẹo và các loại bia, nước ngọt, nước giải khát, may mặc…
Mới đây thôi, trong dịp Tết Dương lịch, số lượt khách đến tham quan mua sắm tại siêu thị tăng từ 2 đến 3 lần so với ngày thường. Một trong những nguyên nhân giúp lượng khách tăng mạnh dịp này là do người dân được nghỉ tết liền kề với 2 ngày cuối tuần, đồng thời các siêu thị có chương trình khuyến mãi mạnh đối với hàng ngàn sản phẩm nên người dân tranh thủ mua sắm. Ước tính doanh số trung bình trong các ngày cao điểm bán hàng Tết Dương lịch của Saigon Co.op tăng từ 2-3 lần so với ngày thường. Tại hệ thống siêu thị Saigon Co.op, Big C hàng Việt luôn chiếm 80-90%, thậm chí Vinatexmart có tỷ lệ hàng Việt chiếm đến 100% …
Với đà chạy này cùng với kinh nghiệm bán hàng trong dịp Tết Dương lịch vừa qua, hầu hết các siêu thị đã bắt đầu khởi động nhiều chương trình khuyến mãi mới, với mức giảm hấp dẫn đối với hàng ngàn mặt hàng nhằm duy trì sức mua từ nay đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới.
Mặt tích cực nữa cần được lưu ý là việc lưu thông hàng hóa được cải thiện với nhiều kênh phân phối tỏa khắp mọi miền đất nước, đặc biệt là việc đưa hàng Việt về các chợ truyền thống, nông thôn, vùng sâu vùng xa, các khu chế xuất, khu công nghiệp tập trung, nơi có đông công nhân, người lao động đã được triển khai sâu rộng. Mặt khác, hệ thống phân phối hàng Việt từng bước được tạo lập ở các địa phương, bước đầu hình thành các kênh phân phối hàng hóa, dịch vụ Việt đến người tiêu dùng trên thị trường nội địa, góp phần làm thay đổi diện mạo của hệ thống phân phối hàng Việt trong nền kinh tế, góp phần đưa hàng Việt đến tận tay người tiêu dùng và tác động tích cực đến thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt Nam. Tại thành phố Hồ Chí Minh, nếu như năm 2009, chỉ có 32% người tiêu dùng quan tâm dùng hàng Việt Nam thì đến nay con số này đã tăng lên hơn 60% và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Một điều dễ nhận thấy là, để có được sự tín nhiệm của người tiêu dùng như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước đã phải nỗ lực rất lớn trong việc nâng cao chất lượng cũng như quảng bá sản phẩm, sự cạnh tranh của giá cả, dù chi phí, vật giá gia tăng, nhưng để chia sẻ với khó khăn chung của người tiêu dùng, đa số các doanh nghiệp đều nỗ lực giữ ổn định giá bán: Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Miền Nam không tăng giá sản phẩm so với Tết năm ngoái để kích cầu, giữ vững thị phần; Doanh nghiệp Ba Huân cũng cam kết giữ giá cung ứng trứng sạch cho thị trường Tết; Công ty Vissan cam kết giữ giá ổn định từ nay đến trước trong và sau Tết … Sự nỗ lực của doanh nghiệp thành phố cũng được thấy rất rõ bởi lượng hàng hóa cung ứng đến 243 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối, 162 siêu thị, 24 trung tâm thương mại và 500 cửa hàng tiện ích ...
Càng cận kề đến Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, với sự tín nhiệm cao của người tiêu dùng, với sự cạnh tranh công bằng và lành mạnh trên thị trường, hy vọng rằng hàng Việt sẽ tiếp tục chiếm lĩnh thị trường, lấn át hàng ngoại nhập, khẳng định ưu thế, tạo lập niềm tin, đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đi vào chiều sâu, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc trong người tiêu dùng và doanh nghiệp cả nước.