Hàng Việt - thay đổi để khẳng định vị thế
Niềm tin bị lung lay
Kết quả điều tra bình chọn hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 do Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao thực hiện với 13.000 hộ gia đình tại 12 tỉnh, thành phố cho thấy, sản phẩm trong nước dù chiếm ưu thế trên thị trường với tỷ lệ số đông người tiêu dùng yêu thích và thường mua dùng theo kết quả khảo sát năm 2017 lần lượt là 51% và 60%, nhưng hiện tỷ lệ này đã giảm còn 27% và 32%. Ông Nguyễn Văn Phượng, phụ trách Ban Điều tra hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, ưu thế không nhỏ của các doanh nghiệp “ngoại” là mạng lưới bán lẻ. Chính việc thâu tóm hệ thống kênh bán lẻ đã tạo lợi thế cạnh tranh rất lớn cho sản phẩm “ngoại”.
Thực tế cho thấy, đến nay, 4 hệ thống bán lẻ được coi là lớn nhất Việt Nam, gồm: Mega Market (tên gọi cũ là Metro) với 19 siêu thị; B’smart với 75 cửa hàng tiện lợi (định hướng mở 3.000 cửa hàng); Big C có 32 siêu thị; Robinson với chuỗi siêu thị thuộc doanh nghiệp Thái Lan, chưa kể Central Group nắm 49% cổ phần hệ thống siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Tương tự, Nhật Bản có hệ thống đại siêu thị Aeon Mall, trung tâm thương mại Saigon Centre, hệ thống cửa hàng tiện ích như Family Mart, mới nhất là hệ thống 7-Eleven. Hàn Quốc gắn liền với tên tuổi của Lotte, Emart và mới đây nhất là SG25... Hệ thống bán lẻ là nhân tố quan trọng tạo được không gian để sản phẩm có thể tiếp cận, kết nối và từng bước chinh phục người tiêu dùng.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao cho rằng, các doanh nghiệp “ngoại” không chỉ thâu tóm không gian kết nối người tiêu dùng với sản phẩm, mà còn chủ động thực hiện nhiều chương trình hoạt náo để thu hút và chinh phục người tiêu dùng. Cùng với đó là sự hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ các cơ quan nhà nước của họ. Trong cuộc đua trên thị trường, sản phẩm của doanh nghiệp, quốc gia nào chinh phục được niềm tin của người tiêu dùng thì sẽ có nhiều lợi thế.
Thêm vào đó, một trong những vấn đề nổi cộm gần đây là “niềm tin của người tiêu dùng vào thương hiệu Việt” có phần bị lung lay. Nhiều doanh nghiệp Việt kinh doanh không minh bạch đã gây ảnh hưởng đến uy tín của hàng Việt như trường hợp một chiếc khăn hai nhãn mác của thương hiệu Khaisilk. Hay những thương hiệu Việt càng có uy tín trên thị trường lại phải đối diện với rủi ro nhiều hơn bởi vấn nạn hàng giả...
Cần chuyển từ lượng sang chất
Hơn 8 năm qua, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" đã góp phần tạo nên làn sóng tiêu dùng hàng nội, ủng hộ cộng đồng doanh nghiệp trong nước trước sự lấn át của hàng ngoại nhập. Nhưng đã đến lúc doanh nghiệp cần chuyển từ lượng sang chất, nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình đối với những sản phẩm làm ra, với cộng đồng xã hội. Ông Lương Văn Thắng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Khóa Việt - Tiệp cho rằng, trước hết phải thay đổi tư duy từ phía cộng đồng doanh nghiệp. Nhà sản xuất, doanh nghiệp phải là chủ thể có trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội. Sản phẩm làm ra không chỉ để thỏa mãn sức sáng tạo của doanh nghiệp, mà còn phải đủ sức cạnh tranh với hàng ngoại, qua đó mới có khả năng chinh phục người tiêu dùng trong nước, bởi ngày càng có không ít người sẵn sàng bỏ nhiều tiền hơn để sở hữu sản phẩm, dịch vụ tốt hơn.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, sau một thời gian đồng hành cùng hàng Việt Nam có thể thấy, còn nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được hoặc chưa quan tâm đến đăng ký bản quyền, đăng ký sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý để khẳng định chủ quyền và nét đặc sắc của sản phẩm. Doanh nghiệp cũng chưa có sự chú trọng thích đáng cho bao bì, mẫu mã và chưa xây dựng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến vấn đề này… “Vì vậy, ngoài những nỗ lực của doanh nghiệp Việt, cần có sự hỗ trợ từ trung tâm khuyến nông, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu trong việc cung cấp thông tin thị trường, tư vấn pháp lý cũng như hướng dẫn thiết kế mẫu mã, bao bì cho doanh nghiệp, phát triển công nghệ sau thu hoạch…”, ông Nguyễn Thái Dũng nêu rõ.
Để tiếp tục nâng cao hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong năm 2018, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố Vũ Hồng Khanh yêu cầu, cần đẩy mạnh kết nối cung - cầu, xúc tiến thương mại, tổ chức các chương trình bán hàng bình ổn giá, phiên chợ hàng Việt, tuần hàng Việt, đưa hàng về nông thôn. Cùng với đó, các đơn vị thành viên Ban chỉ đạo tập trung đẩy mạnh và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về cuộc vận động, cả về thời lượng, nội dung, hình thức theo chuyên đề, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, tuyên truyền vận động để các doanh nghiệp, làng nghề nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, từng bước xây dựng, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho sản phẩm, hàng hóa tại thị trường trong nước, khu vực và thế giới...